Trong quá trình hồi phục sức khỏe của các bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính, vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng. Để phục hồi sức khỏe hô hấp thường bao gồm hai khía cạnh chính: tăng cường sức bền và cải thiện sức mạnh cơ bắp.
Vận động trị liệu là một phương pháp kế hoạch và có hệ thống để cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh, chữa trị bệnh, và phục hồi chức năng của cơ thể thông qua việc thực hiện các mẫu vận động, tư thế, hoặc hoạt động thể lực.
Vận động trị liệu hô hấp là một phần của vận động trị liệu hỗ trợ sự phục hồi của hệ thống hô hấp. Bao gồm các biện pháp vật lý như dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực, tập thở, vận động hô hấp, tập ho (kích thích ho hoặc ho có sự trợ giúp)
Tại khoa Nội hô hấp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình hiện nay đã ứng dụng hầu hết các kĩ thuật vận động trị liệu phục hồi chức năng hô hấp:
-Tập ho có trợ giúp: ho là một phan xạ bảo vệ khi có kích thích đường hô hấp( dị vật, nước, đờm....) phương pháp này được áp dụng khi cần tống các chất lắng đọng trong đường hô hấp,các trường hợp có nguy cơ dính phổi, màng phổi, bệnh lý có nguy cơ xẹp phôỉ.những bệnh nhân mất phản xạ ho do tổn thương các thần kinh chi phổi các cơ quan hô hấp.
- Dẫn lưu đờm tư thế: Đặt bệnh nhân lên các tư thế để di chuyển đờm ứ đọng trong phổi ra các phế quản nhỏ đén lớn, sau đó đờm sẽ bị lọa bỏ dưới tác động của trọng lực. Dẫn lưu tư thế được thực hiện để phục hồi hô hấp, tùy thuộc vào vùng phổi tổn thương kĩ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh ở các tư thế khác nhau.
-Tập các kiểu thở : Là kĩ thuật làm giãn nở lồng ngực nhờ tăng cường các cơ hô hấp và nhằm tạo được kiểu thở đúng, có hiệu quả, là kĩ thuật được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh nhân ở bất cứ nơi nào mà người bệnh có yêu cầu
Bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật hít thở đa dạng như thở ra chậm và kéo dài, hít vào chậm sử dụng dụng cụ, hít thở chủ động hoặc thụ động, thở gắng sức, thở có đề kháng, thở ngực chủ động, thở bằng bụng (thở cơ hoành), và dẫn lưu tự sinh.
- Kĩ thuật vỗ rung: Kỹ thuật này sử dụng tay để tác động cơ học lên lồng ngực của bệnh nhân, giúp làm long đờm và kích thích ho để đờm trong phổi được đẩy ra bên ngoài. Vỗ rung là một biện pháp hỗ trợ điều trị cho các vấn đề hô hấp. Cần lưu ý rằng việc vỗ rung cần phải nhẹ nhàng, đều đặn, và không gây đau hoặc tổn thương cho các phần khác của cơ thể.
-Kĩ thuật xoa bóp vùng: là một thủ thuật được thực hiện bằng các tác động lên mô, cơ, vùng phản xạ và các đường kinh lạc trên cơ thể nhằm mục đích chữa bệnh, phòng bệnh và PHCN tác dụng làm giãn cơ, giảm đau, kích thích hoặc êm dịu thần kinh, điều trị dính của các mô, cải thiện tuần hoàn, tăng bài tiết các chất cặn bã.
- Tập với thang tường: trong PHCN hô hấp tập với thang tường là một bài tập giãn cơ được tiến hành trước và sau các bài tập tăng sức mạnh và tăng sức bền của các cơ hô hấp, cơ chi trên.Được áp dụng để mở các khoang liên sườn, tăng thông khí phổi trong các bệnh: tràn dịch màng phổi, dày dính màng phổi, sau phẫu thuật lồng ngực, viêm phổi kẽ, bệnh bụi phổi...
-Tập với ròng rọc: Trong bệnh hô hấp mạn tính, quá trình hô hấp thường có sự tham gia của các cơ hô hấp phụ vùng cổ, vai, gáy. Quá trình diễn ra lâu ngày dẫn đến sự đau mỏi, co kéo cơ vùng này dẫn tới sự ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của người bệnh.Trong PHCN hô hấp thì tập với ròng rọc là bài tập giãn cơ được áp dụng trước và sau các bài tập sức mạnh và sức bền của cơ hô hấp, cơ chi trên như tập thở với dụng cụ, tập thở có kháng trở...
Tác dụng của các phương pháp trên:
Giúp làm thoát đờm và tạo điều kiện thuận lợi cho ho hoặc sự thoát khạc đờm từ phổi và phế quản ra ngoài.
Làm thông thoáng các đường hô hấp, giúp cải thiện lưu lượng không khí vào và ra khỏi phổi.
Tăng cường sức mạnh của cơ hô hấp để hỗ trợ quá trình hô hấp.
Thúc đẩy sự giãn nở của phổi để cải thiện khả năng hấp thụ oxy và thải đi CO2.
Phục hồi chức năng hô hấp tổng thể.
Vận động trị liệu hô hấp được chỉ định cho những tình huống sau đây:
Bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, khi gặp tình trạng ứ đọng đờm và không thể tự ho khạc.
Trong các đợt cấp tính của các bệnh hô hấp nêu trên.
Bệnh nhân trải qua tràn dịch màng phổi và đã được dẫn lưu, nhưng gặp phải các biến chứng sau tràn dịch.
Các trường hợp áp xe phổi (giai đoạn mủ thoát ra ngoài) và xẹp phổi.
Để cải thiện thông khí cho những bệnh nhân bị tắc nghẽn đờm trong đường hô hấp và phải nằm một chỗ trong thời gian dài, ví dụ như trường hợp bại liệt, tai biến, v.v.
Bệnh nhân cần chuẩn bị trước hoặc sau khi phẫu thuật liên quan đến thay đổi thể tích phổi, chẳng hạn như phẫu thuật lồng ngực hoặc cột sống.
Vận động trị liệu phục hồi bệnh hô hấp không được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
Bệnh nhân có các dấu hiệu của suy hô hấp cấp tính, chẳng hạn như thở co kéo, thở rên, da tái, và niêm mạc nhợt nhạt.
Bệnh nhân mắc các bệnh lý truyền nhiễm, xuất huyết, cao áp phổi, hoặc tứ chứng Fallot (chưa phẫu thuật).
Các chỉ số đo như SpO2 < 91%, tiểu cầu < 80.000, và Hb < 10g/dL không đạt yêu cầu.
* Mục tiêu của vật động trị liệu là khôi phục chức năng hô hấp. Phương pháp thực hiện sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình trạng và loại bệnh của từng bệnh nhân, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
*Vật lý trị liệu trong việc phục hồi bệnh hô hấp bao gồm nhiều kỹ thuật như dẫn lưu tư thế, vỗ rung, vận động, tập hít thở, và tập ho. Chúng được thực hiện để giúp loại bỏ đờm, kích thích ho, làm thông thoáng đường hô hấp, và từ đó cải thiện và khôi phục chức năng hô hấp cho bệnhnhân.