Phòng chống bệnh bạch hầu. 

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, quan trọng và hiệu quả nhất.

Bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra, bệnh dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau như đường hô hấp hoặc tiếp xúc gián tiếp qua những vật dụng có dính giọt bắn, chất bài tiết có chứa vi khuẩn bạch hầu hoặc chạm vào vết loét đang bị nhiễm trùng trên cơ thể người bệnh bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da.

Bệnh có xuất hiện giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt thậm chí là bộ phận sinh dục.

Bất kỳ ai không có miễn dịch (chưa tiêm vắc xin hoặc có tiêm nhưng chưa đủ) đều có thể nhiễm bệnh bạch hầu. Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc những người tiếp xúc gần với người bệnh bạch hầu cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

Trong thời gian gần đây, bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp trên một số tỉnh thành và ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh, trong đó có những trường hợp diễn biến nặng và tử vong rất nhanh.

Vì vậy người dân cần chú ý biểu hiện của bệnh và các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

1.Biểu hiện bệnh:

Người bệnh bị viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm, sưng tấy vùng cổ. Giả mạc trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh vùng viêm, nếu bị bong tróc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh bạch hầu nặng nhất ở trẻ em với biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc. Bên cạnh đó còn có biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong lên đến 5-10% ca mắc bệnh.

2. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, quan trọng và hiệu quả nhất.

+ Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch (Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi). Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, mang khẩu trang ở những nơi công cộng.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

- Nhà ở của người mắc bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

- Người tiếp xúc người nhiễm bạch hầu, cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

Tổ truyền thông

469 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập