Mất ngủ đã được đề cập đến từ lâu và ngày càng trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện đại.
Mất ngủ là trạng thái không thoả mãn về số lượng và/hoặc chất lượng của giấc ngủ tồn tại trong một thời gian dài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của người bệnh.
Bệnh mất ngủ ở người cao tuổi là một dạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh rơi vào tình trạng khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ chập chờn, hoặc khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ cũng như cảm giác thiếu ngủ luôn thường trực. Thông thường, những người trên 65 tuổi hay mắc chứng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
Trẻ em khi mới sinh ra thường ngủ 12 tiếng/ngày, còn với người trưởng thành mỗi ngày cần 8-9 tiếng để ngủ. Người cao tuổi cũng cần ngủ 7-8 tiếng/ngày và khi người cao tuổi chỉ ngủ được khoảng 5-6 tiếng/ngày thì có thể gọi là bị mất ngủ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ ở người cao tuổi và hầu hết những nguyên nhân này có thể điều trị được. Một số nguyên nhân chính có thể gây ra bệnh mất ngủ ở người cao tuổi là:
- Cơ thể người già bị lão hóa.
- Đang gặp bệnh lý làm rối loạn giấc ngủ: Mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch,…
- Môi trường sống bị ô nhiễm bởi: khói bụi, tiếng ồn, ánh sáng trắng,…
- Đầy bụng ợ hơi, căng thẳng về tâm lý.
- Thiếu hoạt động thể chất và chế độ ăn uống kém dinh dưỡng.
Biểu hiện của mất ngủ ở người già thường là cảm giác mệt mỏi, khó khăn trong việc tập trung vào công việc, không có cảm giác thoải mái, không thể ngủ được, phải mất nhiều thời gian mới có thể đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy vào buổi đêm, không thể ngủ trở lại sau khi thức giấc, buồn ngủ vào ban ngày nhưng không ngủ được, đau đầu vào buổi sáng.
Để điều trị bệnh mất ngủ có thể sử dụng phương pháp không dùng thuốc:
- Biện pháp tốt nhất để điều trị bệnh mất ngủ ở người cao tuổi là điều chỉnh chế độ ăn uống ngủ nghỉ và chế độ tập thể dục, dưỡng sinh hay ngồi thiền.
- Gõ ngón trỏ (gõ mạnh vừa phải bằng mô đốt ngón 3) lên đầu lông mày hai bên, mỗi bên 30-60 lần. Xong vuốt nhẹ lông mày 2 bên từ đầu đến đuôi lông mày.
- Gãi chân tóc từ trán ra sau gáy trong 2-3 phút bằng 10 đầu ngón tay hoặc bằng lược.
- Xoa nóng 2 bàn chân.
- Ngâm chân nước ấm 38-43oC trong 20 phút, mỗi ngày 2 lần, trong đó có một lần trước khi đi ngủ buổi tối.
- Gối đậu đen rang nóng (theo Nam dược thần hiệu của Thiền sư Tuệ Tĩnh): rang nóng đậu đen, rồi cho vào gối, gốI suốt đêm.
- Có thể sử dụng 1 số bài thuốc dân gian:
+ Hoa chuối 30g rửa sạch, thái nhỏ; Tim lợn một quả, rửa sạch, bổ tư ; xào chín với hoa chuối, ăn cả cái lẫn nước.
+ Hoa thiên lý xào với tim lợn hoặc nấu canh với thịt nạc, ăn hàng ngày.
+ Tâm sen 2-4g/ngày, hãm với nước sôi, uống thay trà.
+ Lá vông nem (chọn lá bánh tẻ) rửa sạch, luộc hoặc nấu canh ăn; cũng có thể hãm trà 2-4g/ngày hoặc dùng dướI dạng cao lỏng (2-4g/ngày), uống trước khi đi ngủ buổi tối.
+ Lạc tiên: lấy ngọn non, rửa sạch, luộc chín; ăn vào buổi chiều hoặc vài giờ trước khi đi ngủ buổi tối.
+ Nước ép quả cà chua pha với mật ong, uống buổi tối.
Từ lâu, Đông y đã sử dụng long nhãn như một vị thuốc quý để chữa chứng mất ngủ, khó ngủ và ngủ không sâu giấc mang lại hiệu quả cao. Vì thế, người già bị mất ngủ có thể sử dụng long nhãn chữa bệnh cho mình bằng cách chuẩn bị: Long nhãn tươi (100gr) nấu canh cùng 200ml và ăn ngay khi còn ấm. Lưu ý, người cao tuổi nên ăn món canh này trước khi đi ngủ 30 phút sẽ giúp giảm căng thẳng, lưu thông máu nhanh và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Sữa rất giàu vitamin, canxi có công dụng điều chỉnh an thần và gây ngủ. Bên cạnh đó, mật ong cũng rất dưỡng chất thiết yếu giúp não bộ sản sinh ra tryptophan - một loại axit giúp chuyển đổi thành serotonin có lợi cho giấc ngủ. Bởi vậy, khi người cao tuổi gặp chứng mất ngủ thì hãy uống một cốc sữa ấm pha mật ong trước khi đi ngủ sẽ giúp dễ ngủ và ngủ ngon giấc.
Nếu bạn đã tự điều trị tại nhà bằng 1 số phương pháp trên mà không thấy hiệu quả thì hãy đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để được xác định, tìm nguyên nhân điều trị mất ngủ, để có phương pháp điều trị phù hợp, không để mất ngủ trở nên kéo dài mạn tính sẽ điều trị khó khăn hơn.
K.YHCT