Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp shock tim, ngừng tuần hoàn. 

Cùng với sự phát triển của xã hội và dịch chuyển của mô hinh bệnh tật, nhóm bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng và ảnh hưởng lớn đến đời sống. Trong đó, nhồi máu cơ tim vẫn là bệnh lý hàng đầu gây tử vong và tàn phế.

Nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử. Trong đó có các yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt vỡ: Hút thuốc lá; Xúc động, căng thẳng quá mức; Gắng sức quá mức; Viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn, Sau chấn thương, phẫu thuật…

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như: Cơn đau thắt ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.

Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg.

Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.

Để điều trị nhồi máu cơ tim cấp có các phương pháp điều trị tái lưu thông mạch vành bị tắc nghẽn: Thuốc tiêu sợi huyết (streptokinase, rt-PA): Sử dụng khi bệnh nhân đến bệnh viện sớm và bệnh viện không có phòng thông tim; Chụp mạch vành, nong đặt stent…

Từ năm 2014, Đơn nguyên can thiệp mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã tiến hành can thiệp động mạch vành thì đầu cho bệnh nhân NMCT đã cấp cứu thành công hàng trăm bệnh nhân mỗi năm , giúp nâng cao chất lượng điều trị và mang lại sức khỏe cho người dân. Trong những bệnh nhân được can thiệp có nhiều ca nặng, thậm chí ngừng tim, ngừng thở.

Mới đây đơn nguyên can thiệp mạch bệnh viện đã cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp shock tim, ngừng tuần hoàn.

 Người bệnh Phan Văn H, 66 tuổi (Kim Chính - Kim Sơn), tiền sử tăng huyết áp; cách vào viện 2 giờ bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau ngực T dữ dội, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng đau ngực trái nhiều, khó thở, vã mồ hôi. Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ Nhồi máu cơ tim cấp, sau 05 phút nhập viện bệnh nhân đột ngột xuất hiện co giật, tím tái, mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được. Các bác sĩ đã khởi động qui trình cấp cứu khẩn cấp, ép tim, shock điện, đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy và dùng các thuốc vận mạch. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, bệnh nhân đi vào hôn mê sâu, HA sau khi dùng 2 loại vận mạch liều cao duy trì ở mức 90/60, toan hóa máu nặng.

Sau khi mạch huyết áp, các chỉ số toan hóa máu của người bệnh được kiểm soát, các bác sỹ Nội tim mạch đã hội chẩn với bác sỹ khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực, qua đánh giá lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim SCAI E - ngừng tuần hoàn. Sau khi hội chẩn và thống nhất cùng gia đình, phương án là tiến hành chụp động mạch vành cấp cứu cho người bệnh.

Bệnh nhân được đưa vào can thiệp , thở máy

Kết quả chụp mạch vành cho thấy: có tổn thương nặng 3 nhánh động mạch vành, trong đó tắc hoàn toàn động mạch vành phải do huyết khối, kíp can thiệp quyết định đặt stent để thiết lập lại dòng chảy tại động mạch vành P, quá trình can thiệp diễn ra rất khó khăn do động mạch vành P vôi hóa rất nhiều, kíp can thiệp đã phải sử dụng nhiều kĩ thuật khó và phức tạp. Sau  3 giờ can thiệp tích cực các bác sĩ đã đặt 1 stent  và tái thông được dòng chảy cho bệnh nhân.

Kíp can thiệp đang tiến hành chụp và can thiệp ĐMV cho bệnh nhân

Sau can thiệp người bệnh được chuyển khoa Hồi sức tích cực theo dõi sát sao. Sau 5 ngày, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở; sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, dự kiến được xuất viện trong 2 ngày tới.

Bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe sau 05 ngày điều trị tích cực

Bệnh nhân đang được điều trị tại khoa tại khoa Nội tim mạch, sức khỏe bệnh nhân ổn định, dự kiến được xuất viện trong 2 ngày tới

Theo Ths. Bs. Đào Hồng Quân - Phó trưởng khoa Nội tim mạch - Trưởng đơn nguyên can thiệp mạch: Trường hợp của bệnh nhân H rất nặng, khi vào viện nguy cơ tử vong lên tới 99%; với nỗ lực cấp cứu của kíp trực và can thiệp kịp thời của bác sĩ, người bệnh hồi phục tốt.

Bác sỹ Quân khuyến cáo người dân, bệnh nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao và ngày càng có xu hướng gia tăng. Người dân, nhất là người cao tuổi nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý mạch vành như hút thuốc lá, uống rượu... Nhồi máu cơ tim thường có dấu hiệu là những cơn đau ngực dữ dội, kéo dài 15-30 phút, có thể lan lên 2 vai hoặc tay. Cơn đau thường xuất hiện sau khi người bệnh gắng sức hoặc nghỉ ngơi. Khi đó, người bệnh cảm thấy khó thở nhiều, vã mồ hôi.

Để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, khi thấy những dấu hiệu trên, người có triệu chứng nên khẩn trương đến Bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Tác giả: Ths.BS. Đào Hồng Quân - Bs.CKI. Lê Anh Tuấn

Biên tập: Tổ truyền thông

566 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập