Tăng giá dịch vụ đối với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế 

Theo Bộ Y tế, dự kiến từ đầu quý 2/2017 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế áp dụng cho các đối tượng tự chi trả khi khám chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện tại, đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012 (là giá chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương), thấp hơn mức giá khám chữa bệnh (KCB) do quỹ BHYT chi trả nên nhiều người chưa tham gia BHYT. Do đó, trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư quy định mức giá tối đa (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) áp dụng đối với người chưa có thẻ BHYT khi KCB.

“Việc này là để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền. Khi đó, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT”, bà Tiến nói.

Theo Nghị định 16 của Chính phủ, đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT hiện đang chậm hơn thời gian quy định.

Bà Tiến cho rằng, giá dịch vụ y tế được tính đúng tính đủ (bao gồm cả phụ cấp và tiền lương của nhân viên y tế) đòi hỏi các bệnh viện (BV) đều phải công khai, minh bạch quyền lợi của người có thẻ BHYT để người dân biết và kiểm soát. “Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Thậm chí, sẽ tiến tới thực hiện không thanh toán phí giường bệnh nếu BV để bệnh nhân phải nằm ghép nhiều”, bà Tiến nói.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết: "Nhà nước sẽ chuyển phần ngân sách đang cấp cho các BV hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỉ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, do đó sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn".

Theo ông Liên, Bộ Y tế đã tích cực triển khai một số giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực đến người dân khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Cụ thể, Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề nghị các tỉnh thành lập lại quỹ KCB cho người nghèo để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo khi KCB. Bộ này cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Các tỉnh khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Bộ trưởng Tiến cho biết, tăng giá dịch vụ y tế, các BV càng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và tinh thần phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Trước hết, phải giảm tải vì bức xúc nhất của người dân là nằm ghép, 4 - 5 người ốm 1 giường bệnh, nằm gầm giường thì không thể hài lòng. Hiện, nằm ghép đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng BV. Tới đây, nếu BV nào để bệnh nhân nằm ghép nhiều sẽ bị giảm số thẻ đăng ký KCB BHYT.

(theo T5g.org.vn)

654 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập