Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Những người bị COPD phải cố gắng nhiều hơn để thở, điều này có thể dẫn đến khó thở và/ hoặc cảm thấy mệt mỏi ở giai đoạn sớm của bệnh, những người mắc COPD có thể cảm thấy khó thở khi tập thể dục. Khi bệnh tiến triển, có thể khó thở khi thở ra hoặc thậm chí khi hít vào.
Nguyên nhân phổ biến nhất của COPD là khói thuốc lá, có một số yếu tố khác có thể gây ra phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền (Hen phế quản hoặc tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản; hoặc thiếu alpha-1 antitrypsin).
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, hiện nay đang quản lý, khám các bệnh mạn tính như: Tim Mạch, Đái tháo đường, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh về máu... và số người bệnh mắc COPD chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong các bệnh quản lý tại bệnh viện.
Bệnh nhân khám và quản lý COPD tại khoa Khám bệnh - BVĐKNB
Bệnh nhân sau khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, được quản lý và điều trị ngoại trú bệnh tại phòng quản lý bệnh COPD của khoa Khám bệnh. Tại đây, bệnh nhân đều được dùng thuốc dự phòng từ nguồn Bảo hiểm y tế; được quản lý nâng cao kiến thức điều trị phòng chống bệnh.
Việc bệnh nhân tuân thủ tốt phác đồ diều trị, kết hợp với chế độ ăn uống tập luyện điều độ và thường xuyên tái khám đúng hẹn sẽ mang đến kết quả khả quan, kiểm soát tốt được bệnh, tỷ lệ biến chứng chuyển tuyến trên hoặc nhập viện điều trị cũng giảm hơn; qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Bệnh nhân COPD ngoài dùng thuốc điều trị, cần điều chỉnh thói quen sống để giảm bớt tình trạng bệnh:
- Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc…
- Người đang hút thuốc phải bỏ hút thuốc. Đã có thuốc và các phương pháp điều trị khác để giúp điều trị việc nghiện nicotine và giúp bỏ thuốc lá.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục phù hợp với tình trạng bệnh. Giảm cân nếu có thừa cân. Vệ sinh mũi họng thường xuyên. Giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Nhiễm trùng đường hô hấp (cúm và viêm phổi…) là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp COPD. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong:
+ Tiêm phòng vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc BPTNMT.
+ Tiêm phòng vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc BPTNMT giai đoạn ổn định.
Lan Hương - Phạm Thị Định