Khi thời tiết chuyển sang mùa thu, dịch Viêm kết mạc cấp (dân gian thường gọi là bệnh đau mắt đỏ) thường bùng phát mạnh và có thể lây lan thành dịch.
Bệnh do virus gây ra, thời gian ủ bệnh ngắn, lây lan nhanh, dễ tạo thành dịch bệnh phức tạp trong cộng đồng. Triệu chứng điển hình là sưng phù mi mắt, đỏ mắt, nhiều rử ghèn, có thể có giả mạc, cộm mắt, ngứa mắt. Nhiều trường hợp kèm theo sốt, sưng đau hạch góc hàm, hạch sau tai, viêm mũi họng, đặc biệt là trẻ em.
Bệnh diễn biến nhanh, rầm rộ, có thể tự lui bệnh trong 7-10 ngày, nhưng cùng có thể diễn biến nặng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, viêm màng bồ đào... ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Khi bị đau mắt đỏ, người dân thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt được bán tràn lan ngoài thị trường, vô hình chung gây ra tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng, làm cho dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Tại phòng khám Mắt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, hàng ngày có tới 15-20% bệnh nhân đến khám mắt vì có triệu chứng đau mắt đỏ; đa số các trường hợp đã có biến chứng nặng nề tại mắt, phải điều trị dài ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người bệnh.
Để phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ mình theo các khuyến cáo sau:
- Luôn đeo khẩu trang.
- Vệ sinh tay thường xuyên, tránh đưa tay dụi lên mắt.
- Tăng cường luyện tập thể dục nâng cao sức đề kháng.
- Khi trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, phải dùng riêng đồ dùng vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, đặc biệt là rử mắt người mắc bệnh, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.
- Khi mắc bệnh, cần đeo khẩu trang, vệ sinh mắt sạch sẽ hàng ngày, nhỏ thuốc theo đơn của bác sỹ chuyên khoa Mắt. Khi mắt diễn biến nặng lên, cộm, chói nhiều kèm theo nhìn mờ cần khám ngay để phát hiện các biến chứng như viêm giác mạc, viêm màng bồ đào... để điều trị kịp thời.
Th.S.Đỗ Thị Nhung (K.Mắt)