Viêm tụy cấp 

Viêm tụy cấp là viêm tuyến tụy đột ngột, mức độ có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Ở Việt Nam trong những năm gần đây do thay đổi về lối sống, thói quen sinh hoạt, đặc biệt là thói quen về ăn, uống nên Viêm tụy cấp đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Viêm tụy cấp là viêm tuyến tụy đột ngột, mức độ có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Ở Việt Nam trong những năm gần đây do thay đổi về lối sống, thói quen sinh hoạt, đặc biệt là thói quen về ăn, uống nên Viêm tụy cấp đang ngày càng có xu hướng gia tăng.Về mặt giải phẫu có hai thể viêm tụy phù nề và viêm tụy hoại tử chảy máu.

Theo chức năng sinh lý bình thường, tuyến tụy ngoại tiết sẽ tiết ra các men tụy amylase, lipase, trypsin... để góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men này được tiết ra dưới dạng không hoạt động và chúng chỉ được hoạt hóa trở thành có tác dụng ở tá tràng. Nhưng do các nguyên nhân khác nhau mà các men này bị hoạt hóa trong chính lòng ống tụy chuyển thành dạng hoạt động gây phá hủy các mô tụy mà dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.

I.NGUYÊN NHÂN

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau

1.Bệnh đường mật do sỏi hoặc giun đũa chiếm 40-50%.

2.Do rượu chiếm 20-30%: Một đợt viêm tụy cấp có thể xảy ra sau khi uống rượu hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn;

  1. Các nguyên nhân ít gặp hơn có thể do:

- Chấn thương vùng bụng từ ngoài hoặc do phẫu thuật về dạ dày - tá tràng; do thủ thuật như chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP);

- Các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như bệnh tiểu đường, bệnh Lupus ban đỏ;

- Do các bệnh lý gây tăng lipide máu: Hội chứng thận hư, nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa lipide máu;

- Các bệnh gây rối loạn chuyển hóa: tăng Calci huyết như cường tuyến cận giáp;

- Dùng các loại thuốc như furosemide và azathioprine v.v;  sử dụng estrogen ở những phụ nữ có lượng lipid máu cao;

Viêm tụy cấp không thể xác định được nguyên nhân chiếm khoảng 20% các trường hợp viêm tụy cấp.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

II. TRIỆU CHỨNG

1. Đau bụng: hầu hết đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, dưới xương ức.

-Cơn đau thường lan ra sau lưng trong khoảng 50% trường hợp. Đau ít khi khởi phát ở bụng dưới. Đối với viêm tụy cấp do sỏi mật, đau thường bắt đầu đột ngột và đạt cường độ tối đa trong vài phút.

-Đau thường tiến triển trong một vài ngày ở những trường hợp viêm tụy do nghiện rượu. Cơn đau sau đó sẽ liên tục, trở nên nghiêm trọng hơn, có tính chất xâm nhập, kéo dài nhiều ngày.

-Đau khi ho và hít thở sâu. Tư thế ngồi thẳng và nghiêng về phía trước giúp giảm đau.

-Đa số bệnh nhân đều cảm thấy buồn nôn và nôn, đôi khi đến độ nôn khan.

-Thông thường, sử dụng liều cao thuốc giảm đau opioid cũng không thể đẩy lùi hoàn toàn được cơn đau.

-Ở một số bệnh nhân, đặc biệt những người viêm tụy cấp do lạm dụng rượu, thường không có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài những cơn đau vừa phải. Nhưng đối với các bệnh nhân khác thì cơn đau lại thật dữ dội.

2. Bệnh nhân thường suy sụp, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh (100-140 nhịp/ phút), thở nhanh, nông. Thở nhanh xảy ra khi bệnh nhân bị viêm phổi, xẹp phổi, hoặc tràn dịch màng phổi. Tình trạng này làm giảm lượng nhu mô phổi cần thiết để chuyển oxy từ không khí vào máu.

3. Lúc đầu, nhiệt độ cơ thể bình thường, nhưng một vài giờ sau có thể sốt đến 37,7-  38,3° C.

4. Huyết áp có thể cao hoặc thấp, nhưng có khuynh hướng tụt khi người bệnh đứng dậy, gây xây xẩm choáng váng.

5. Khi viêm tụy cấp tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể lơ mơ, thậm chí mất ý thức hoàn toàn. Kết mạc mắt đôi khi có màu vàng.

III. BIẾN CHỨNG

1.Sốc: Là một trong những biến chứng sớm xảy ra ở ngay những ngày đầu của bệnh. Sốc có thể do nhiễm khuẩn nặng hay do xuất huyết. Trường hợp sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xảy ra muộn hơn ở tuần thứ 3 kể từ lúc bắt đầu có dấu hiệu viêm;

2.Xuất huyết: Biến chứng xuất huyết có thể xuất hiện ở ngay tại tuyến tụy, trong xoang bụng, trong ống tiêu hóa hoặc các cơ quan khác, dẫn đến tình trạng tổn thương các mạch máu. Biến chứng này xảy ra trong tuần đầu tiên của bệnh. Tất cả những trường hợp có biến chứng xuất huyết đa phần đều có tiên lượng nặng;

3.Nhiễm trùng tại tuyến tụy: Xảy ra ở cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành các ổ áp xe ở tuyến tụy gây viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô. Trường hợp này tiên lượng nặng;

4.Suy hô hấp cấp: Tiên lượng nặng;

5.Nang giả tụy: Xuất hiện ở tuần thứ 2 hoặc tuần thứ 3 của bệnh nguyên nhân do quá trình đóng kén để khu trú các tổn thương tại nhu mô tụy. Trong nang giả tụy có chứa các enzym tuyến tụy, các chất dịch và các mảnh vỡ của nhu mô tuyến tụy. Nang này có thể được thu dọn hoặc tự dẫn lưu vào đường tụy rồi biến mất sau 4 đến 6 tuần. Nang nếu để kéo dài có thể tiến triển thành áp xe hoặc gây bội nhiễm.

IV. CHẨN ĐOÁN

1. Lâm sàng: tình trạng đau bụng đặc trưng giúp thầy thuốc nghi ngờ viêm tụy cấp, đặc biệt ở những người có bệnh lý túi mật hoặc nghiện rượu.

2. Xét nghiệm máu: amylase và lipase (hai enzyme sản xuất bởi tuyến tụy) trong máu thường tăng vào ngày đầu tiên của bệnh, rồi trở về mức bình thường sau 3 đến 7 ngày

3. Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, hoặc CT scanner.

V. ĐIỀU TRỊ

1. Bệnh nhân viêm tụy nhẹ cần được nhập viện ngắn hạn, dùng thuốc giảm đau và nhịn ăn để giúp tuyến tụy được "nghỉ ngơi". Thông thường, có thể ăn uống bình thường trở lại sau 2 đến 3 ngày mà không cần điều trị thêm.

2. Những bệnh nhân viêm tuỵ trung bình đến nặng cần được nhập viện.

- Lúc đầu, họ phải nhịn ăn uống, vì ăn uống kích thích tuyến tụy.

- Các triệu chứng đau và buồn nôn được kiểm soát bằng thuốc tiêm tĩnh mạch.

- Truyền dịch tĩnh mạch.

- Bệnh nhân viêm tụy cấp nặng được nhận vào đơn vị chăm sóc tích cực.

- Đặt sonde dạ dày (ống mũi-dạ dày) để loại bỏ chất dịch và hơi, đặc biệt khi bệnh nhân buồn nôn, ói mửa kéo dài và có kèm liệt ruột.

- Dinh dưỡng qua đường tiêm tĩnh mạch, qua ống mũi dạ dày, hoặc phối hợp cả hai.

- Đối với những bệnh nhân tụt huyết áp hoặc đang bị sốc, thể tích máu cần được duy trì cẩn thận bằng các loại dịch truyền tĩnh mạch, đồng thời theo dõi chặt chẽ hoạt động của tim.

- Một số bệnh nhân cần thở oxy và hầu hết các trường hợp nặng đều cần đến thở máy.

- Điều trị viêm tụy cấp do sỏi mật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Nếu viêm tụy nhẹ, có thể trì hoãn việc cắt túi mật cho đến khi các triệu chứng giảm dần.

- Viêm tụy nặng do sỏi ống mật chủ được điều trị bằng nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

VI.PHÒNG BỆNH

1.Viêm tụy cấp thường do sỏi mật hoặc uống quá nhiều rượu.Vì vậy một lối sống lành mạnh có thể làm giảm cơ hội phát triển tình trạng này.

2.Sỏi mật: Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sỏi mật là ăn nhiều rau củ quả mỗi ngày. Ăn nhiều bánh mì nguyên hạt, yến mạch và gạo nâu, giảm chất béo - điều này giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể bạn. Thừa cân cũng làm tăng cơ hội phát triển sỏi mật. Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.

3.Rượu: giảm uống rượu, điều này giúp ngăn ngừa tuyến tụy của bạn bị hư hại

4.Không hút thuốc lá.

5.Tầm soát các bệnh lý về rối loạn lipid máu, calci máu.

Bs CKI. Nguyễn Thái Bình,

Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

 

7383 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập