Bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (UPĐLTTTL) còn gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, rất phổ biến ở nam giới; trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thường gặp ở những người đàn ông lớn tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ UPĐLTTTL càng tăng.
UPĐLTTTL tuy không trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh, nhưng có thể gây ra nhiều rối loạn làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, đặc biệt ở người cao tuổi. Do sự quá sản lành tính của tuyến tiền liệt, khối u phì đại chèn ép các tổ chức kế cận gây ảnh hưởng tới niệu đạo tuyến tiền liệt, cổ bàng quang, bàng quàn, niệu quản, ứ trệ nước tiểu tăng dần cuối cùng sẽ gây suy thận.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị UPĐLTTTL: nội khoa, diều trị ngoại khoa, phẫu thuật cắt đốt nội soi UPĐLTTTL. Ở Việt Nam phẫu thuật cắt đốt nội soi UPĐLTTTL đã được áp dụng ở các bệnh viện; đây là phương pháp tiên tiến, tránh cho bệnh nhân có vết mổ, những biến chứng rò rỉ nước tiểu, nhiễm khuẩn vết mổ. Tuy nhiên phương pháp phẫu thuật nội soi không thực hiện được ở những bệnh nhân có niệu đạo hẹp (không đặt được máy), bàng quang bé, túi thừa bàng quang; mặt khác cắt đốt nội soi đòi hỏi phải đàu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, đắt tiền, có thầy thước chuyên khoa, có kinh nghiệm mà không phải tuyến y tế nào cũng thực hiện được.
Trước kia phẫu thuật mổ mở bóc UPĐLTTTL dùng hai phương pháp chính: mổ phương pháp Millin và phẫu thuật bóc u theo phương pháp Hryntschak. Phương pháp này cũng có nhiều biến chứng, phiền phức, người bệnh phải nằm viện kéo dài.
- Phẫu thuật nội soi có ưu điểm: áp dụng cho những bệnh nhân già yếu, có bệnh mạn tính; phẫu thuật nhẹ nhàng, ít biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị, kết quả tốt.
- Tuy nhiên lựa chọn phẫu thuật nội soi hay mổ mở phụ thuộc vào các yếu tố:
+ Thể tích u lớn làm ảnh hưởng tới thời gian phẫu thuật, hay gây biến chứng nhất là hội chứng nội soi, khối u to 60-70 tới 100g thường là mổ mở.
+ Thể trạng bệnh nhân
+Có sỏi bàng quang lớn, túi thừa bàng quang, mổ cũ niệu đạo, hẹp niệu đạo.
- Hiện nay chủ yếu là cắt đốt u nội soi qua niệu đạo và mở bóc UPDLTTTL đường trên xương mu và đường sau xương mu; các nước trên thế giới cắt đốt nội soi UPDLTTTL là chủ yếu, chiếm 95%. Tại Việt Nam hiện nay các tỉnh có trang bị máy PT nội soi, máy tán sỏi bàng quang thì PT nội soi cắt UPDLTTTL đang trở thành kỹ thuật chính.
Phẫu thuật nội soi qua niệu đạo: Là kỹ thuật sử dụng hệ thống điện lưỡng cực, thay cho hệ thống đơn cực như trong phẫu thuật ứng dụng trong điều trị Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Phương pháp bốc hơi lưỡng cực tuyến tiền liệt (Bipolar Transurethral Vaporization of the Prostate – B-TUVP) được Botto áp dụng đầu tiên vào tháng 10/1998 với hệ thống Gyrus tại Mỹ. Kể từ đó, nhiều tác giả đã thực hiện và báo cáo, nhận định đây là kỹ thuật có nhiều triển vọng, là một kỹ thuật an toàn, có hiệu quả trong điều trị Tăng sinh lành tính Tuyến tiền liệt tương đương với kỹ thuật cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt qua niệu đạo kinh điển, nhưng tỏ ra ưu thế hơn ở khả năng cầm máu của hệ thống điện lưỡng cực.
Ưu điểm của hệ thống điện lưỡng cực trong cắt đốt tuyến tiền liệt là:
- Sử dụng dung dịch nước muối đẳng trương làm dịch rửa thay thế cho dung dịch nhược trương, loại bỏ được nguy cơ xảy ra hội chứng nội soi.
- Không có dòng điện chạy qua cơ thể người bệnh, giảm nguy cơ bỏng điện, hẹp niệu đạo hay xơ cổ bàng quang sau phẫu thuật.
- Cầm máu tốt, giảm ngày lưu thông tiểu và ngày nằm viện ngắn
- Sử dụng dung dịch NatriClorua 0,9% không có ion (Glycine hoặc
Manitol) nên không lo tình trạng hấp thụ dịch nhược trương vào cơ thể một cách thụ động
- Không có dòng điện (Như dao đơn cực) chạy qua cơ thể người bệnh, nên giảm nguy cơ tổn thương bỏng điện tại vị trí tiếp xúc với bản điện cực, giảm nguy hiểm đối với những người bệnh đặt máy tạo nhịp.
Hiện nay, tại khoa Ngoại thận tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã thực hiện phẫu thuật Cắt lưỡng cực tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo. Đây là một ứng dụng khoa học công nghệ thực tiễn, cần thiết được áp dụng, phù hợp với phương pháp điều trị cho bệnh cảnh người cao tuổi mắc bệnh Tăng sinh lành tính Tuyến tiệt liệt.
BS.CKII Nguyễn Đình Đức (K.Ngoại thận tiết niệu - BVĐKNB)