Tích cực chủ động phòng chống cơn bão số 4 

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Hồi 4 giờ sáng (ngày 16/8/2018), vị trí tâm bão cách Móng Cái 210km, cách Thái Bình 320km, cách Vinh 450km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km; từ nửa đêm nay đến trưa mai (17/8), vùng tâm bão số 4 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (16/8/2018) trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6, từ sáng sớm mai tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Dự báo từ nay đến ngày 18/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt). Sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà và vùng hạ lưu sông Mã lên mức báo động 1 đến báo động 2; sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, vùng thượng lưu sông Mã có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, riêng sông Bưởi lên mức báo động 3 và trên báo động 3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1. Ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét. tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An dễ xảy ra ngập úng. Để tích cực chủ động phòng chống cơn bão số 4; thực hiện công văn số 2453/SYT-KHTC ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Sở Y tế Ninh Bình về việc triển khai phòng, chống cơn bão số 4. Ban chỉ huy phòng chống lụt báo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đồng chí trong Ban PCLB, các khoa phòng thực hiện các công việc sau: 1.Ban chỉ huy PCLB có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các khoa, phòng trong công tác phòng chống bão; tiếp nhận đề nghị của các khoa, phòng báo cáo thường trực Ban chỉ huy PCLB. Điều hành lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ các khoa, phòng chống bão. Xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, thảm họa, có phương án cho các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức trực 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình lụt bão; tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế; triển khai phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngành y tế; sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống do thiên tai, bão lụt gây ra. 2.Phòng hành chính quản trị: Thường trực thông tin liên lạc, kiểm tra hệ thống điện tại các khoa phòng và khu vực công cộng. Đảm bảo an toàn và hoạt động tốt hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, an ninh trật tự, hệ thống chống sét, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cửa, mái tôn, xe cứu thương… Chuẩn bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động: áo mưa, đèn pin, mũ, ủng… cho các đội phòng chống lụt bão. Đảm bảo công tác hậu cần cho ban chỉ huy, đội xung kích. Tăng cường nhân lực của phòng tham gia chống bão tại khu vực công cộng; kết hợp với lực lượng xung kích hỗ trợ cho các khoa, phòng. Phòng Công nghệ thông tin, phòng vật tư trang thiết bị y tế: đảm bảo hệ thống mạng, hệ thống trang thiết bị hoạt động tốt. 3.Tổ cấp cứu vận chuyển bố trí nhân lực thường trực, phương tiện sẵn sàng nhiệm vụ khi có lệnh điều động; điều động 2 tổ cấp cứu ngoại viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu. 4.Phòng Kế hoạch tổng hợp: chuẩn bị trang thiết bị cấp cứu, thông báo cho các thành viên thường trực sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động. 5.Đội xung kích phòng chống bão: có mặt kịp thời khi Ban chỉ huy PCLB có lệnh điều động. 6.Tại các khoa phòng: quán triệt tới toàn bộ nhân viên nghiêm túc thực hiện kế hoạch phòng chống lụt bão, thiên tai; bố trí nhân lực trong khoa tham gia phòng chống bão, sẵn sàng thực thi mọi nhiệm vụ được giao. Kiểm tra hệ thống trang thiết bị, buồng bệnh, hệ thống điện nước; đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi lụt bão xảy ra. Bên cạnh đó, duy trì công tác chăm sóc người bệnh điều trị tại khoa; rà soát và đánh giá tình trạng của người bệnh đang điều trị tại khoa, nếu nhẹ hoặc đỡ cho về điều trị ngoại trú, để sẵn sàng tiếp đón người bệnh nặng vào điều trị trong những ngày bão lũ.    

1158 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập