Những điểm sáng mới trong phòng chống và điều trị viêm gan vi rút 

Sáng 29/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo chí Phòng chống bệnh viêm gan vi rút nhằm hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới hàng năm với chủ đề “Hãy nhận biết và hành động ngay”.

Tham gia Hội thảo có đại diện các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế như: Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Vụ Bảo hiểm Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Cục quản lý Dược, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Sở Y tế Thành phố Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Hội gan mật Việt Nam,… và đông đảo các phóng viên cơ quan, truyền thông báo chí. Về phía quốc tế, có các đại diện đến từ Tổ chức Y tế Thế giới, US CDC, CHAI, PATH, MSD.

Hội thảo Phòng chống bệnh viêm gan vi rút nhằm mục đích thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí, thông tin đến mỗi người dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút và các giải pháp phòng chống, với mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan vi rút như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày viêm gan thế giới năm nay bao gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Hội thảo báo chí; Truyền thông phòng chống viêm gan vi rút qua website chính thức của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng và trên mạng xã hội Facebook “Phòng chống bệnh viêm gan vi rút”; Tổ chức nhảy flashmob hưởng ứng phòng chống bệnh; Phối hợp với một số cơ quan báo chí tổ chức tọa đàm, chuyên gia giải đáp phòng bệnh cho cộng đồng,v.v..

Thực trạng bệnh viêm gan vi rút hiện nay

Hiện nay, thực trạng bệnh viêm gan vi rút trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp. Đây là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền tương tự như vi rút HIV (qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con); viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự, viêm gan vi rút A, E lây qua đường thực phẩm nhiễm khuẩn và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính trên toàn cầu. Vi rút viêm gan B, C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan, 78% trường hợp ung thư gan tiên phát. Viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Mặc dù vậy, ước tính có khoảng 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cận điều trị. 

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C thuộc nhóm cao trong khu vực và chịu những gánh nặng bệnh tật nặng nề do căn bệnh này mang lại. Đặc biệt, các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B chủ yếu là lây truyền từ mẹ sang con. Theo số liệu thống kê, có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị được. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B, C gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ trong vòng 24h đầu tiên cho trẻ sơ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế, thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy. WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau khi sinh, nhưng Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ là 65% trong năm 2015 và 39% trong nửa đầu năm 2016. 

Điểm sáng trong công tác phòng chống viêm gan vi rút tại Việt Nam

Trước tình hình trên, tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan  và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút. Như vậy, Việt Nam là 1 trong 36 quốc gia trên thế giới tích cực ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng như: tăng cường truyền thông, khám sàng lọc phát hiện sớm, tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin viêm gan B, phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí cho người dân,v.v..

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Trong thời gian tới, Dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sau 24h sau sinh cho trẻ bằng phương án tăng cường cung cấp vắc xin đến các huyện vùng sâu vùng xa, miền núi với cách thức vận chuyển, cung ứng linh hoạt hơn, thậm chí tiêm chủng cho các ca sinh tại nhà qua các nhân viên y tế cơ sở. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đưa ra điểm nhìn lạc quan trong việc phòng chống và điều trị bệnh viêm gan vi rút: Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thành phác đồ điều trị chuẩn để trình lên Bộ Y tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ có những lớp tập huấn dành cho cơ quan truyền thông, báo chí nhằm thông tin sâu hơn về vấn đề phòng chống viêm gan vi rút cho phụ nữ mang thai. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác dự phòng và đã mở 2 cơ sở tư vấn về viêm gan miễn phí cho người dân”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, xu hướng chi phí điều trị cho viêm gan vi rút đã giảm hơn so với trước đây, các thuốc điều trị mới cũng chất lượng và hiệu quả hơn. Vì thế người bệnh không nên quá lo lắng, căn bệnh viêm gan vi rút hoàn toàn có thể phòng và điều trị kịp thời với mức chi phí có thể tiếp cận được.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, BS. Masaya Kato cho biết, tại Đại Hội Đồng Y tế Thế giới diễn ra vào tháng 5/2016, WHO đã đưa ra Chiến lược toàn cầu về viêm gan. Theo đó, tầm nhìn của chiến lược là: “Một thế giới không còn lây truyền viêm gan vi rút và mọi người sống chung với viêm gan được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị có hiệu quả, an toàn và chi trả được”.  

(Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

 

952 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập