Cảnh báo hoại tử chi do nhiễm lạnh 

Ngày 22/1, BS. Vũ Văn Khánh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, BV vừa tiếp nhận một bé gái 6 tuổi bị hoại tử chi do nhiễm lạnh (bỏng lạnh).

 

Bệnh nhi là bé Tăng Thị C., dân tộc Dao, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Theo lời mẹ cháu kể, ngày 30/12/2012, khi bé đi chơi về (mặc quần ngắn, hai áo vải và không đi dép, nhiệt độ môi trường khoảng 5 - 10oC) thì xuất hiện đau hai bàn chân và cẳng chân dữ dội. Lúc này chân bé màu trắng, sau khi được mẹ rửa chân bằng nước ấm thì toàn bộ bàn chân và 1/2 dưới cẳng chân bên phải chuyển màu đỏ tím, khoảng 2 giờ sau, chân trái chuyển màu như chân phải. Bé được đưa đến Bệnh viện đa khoa Mường Lát, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa sau 2 ngày phát bệnh trong tình trạng toàn thân ổn định, hai bàn chân và 1/2 dưới cẳng chân sưng nề, đỏ tím. Các kết quả siêu âm doppler mạch hai chân, chụp mạch chi dưới bằng MSCT, các xét nghiệm sinh hóa, công thức máu, các yếu tố đông máu đều bình thường. Sau 7 ngày, xuất hiện hoại tử đầu các ngón chân trái. Bệnh nhi được chẩn đoán hoại tử chi do nhiễm lạnh (bỏng lạnh độ 3, 4) và được điều trị tại phòng điều hòa nhiệt độ hai chiều.

Hình ảnh tổn thương sau 2 ngày: da vùng tổn thương màu sẫm, cứng, tê. (Ảnh do BS. Khánh cung cấp)

Vì sao bị bỏng lạnh?

BS. Khánh cho biết, mặc dù bệnh nhi sống vùng địa lý có nền nhiệt độ lớn hơn 0oC nhưng do mải chơi ngoài trời lạnh và không được bảo hộ đầy đủ (quần áo không đủ ấm, không đi dép), khi bị tổn thương do lạnh lại không được chăm sóc đúng cách và kịp thời (không được giữ ấm, di chuyển quãng đường dài trong thời tiết 5 - 10oC bằng phương tiện không phù hợp) dẫn tới tổn thương bỏng lạnh độ 3, 4 (sau 7 ngày xuất hiện hoại tử đầu các ngón chân trái, điều này cũng phù hợp với triệu chứng chân phải tím trước chân trái, vì tím là biểu hiện lặp lại tuần hoàn vùng tổn thương sau khi được rửa chân trong nước ấm, nói cách khác, thời gian “phá băng” tổn thương chân trái lâu hơn tổn thương chân phải là 2 giờ).

 

Nguyên nhân dẫn tới bỏng lạnh là do bệnh nhân tiếp xúc với yếu tố cực lạnh (dưới 0oC, nitơ lỏng, làm việc trong phòng đông lạnh...) hoặc với tác nhân lạnh nhưng kéo dài, cơ thể tự điều chỉnh nhằm tránh hạ thân nhiệt là giảm lưu lượng máu tới một số vùng trên cơ thể để tránh thoát nhiệt. Vùng lựa chọn thường xa trung tâm như các đầu chi bằng cách co thắt mạch cục bộ tại chỗ, dẫn tới mô cơ thể không được sưởi ấm bằng dòng máu nên tiến tới hiện tượng “đóng băng”, dẫn tới chết mô vị trí tương ứng. Tùy tác nhân, thời gian phơi nhiễm và sức chịu đựng của mỗi cá thể mà dẫn đến các mức độ tổn thương khác nhau.

Vậy bỏng lạnh là gì?

Cũng theo BS. Khánh, bỏng lạnh (Frostbite) là một thuật ngữ y học để chỉ tổn thương tại chỗ gây cho da và các mô do tiếp xúc với lạnh, thường xảy ra ở các bộ phận cơ thể xa trung tâm như các đầu chi, mũi, tai... Bỏng lạnh được chia thành 4 cấp độ.

Cấp độ 1: chỉ ảnh hưởng tới bề mặt da, biểu hiện với triệu chứng ngứa, đau, biến đổi màu sắc, da có thể trắng tiến tới đỏ và vàng, rối loạn hoặc mất cảm giác nóng lạnh.

Cấp độ 2: là diễn biến tiếp theo của mức độ 1, da trở nên “đóng băng” và cứng lại, các mô sâu chưa bị ảnh hưởng vẫn còn mềm mại. Giai đoạn này có thể xuất hiện các bọng nước, da có thể trở thành màu đen và cứng, tổn thương này có thể khỏi sau 1 tháng hoặc mất cảm giác nóng lạnh vùng tổn thương. 

 

Cấp độ 3, 4: tổn thương các mô sâu bao gồm gân, cơ, mạch máu, thần kinh, các khu vực này chuyển sang màu đen và chứa đầy máu, tiến tới hoại tử do dinh dưỡng, nếu có bội nhiễm vi khuẩn là yếu tố tiên lượng nặng, đòi hỏi can thiệp ngay.

Các yếu tố nguy cơ gây bỏng lạnh thường là do tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp mà lại không đủ quần áo giữ ấm hoặc quần áo ướt, gió lạnh... Ngoài ra, việc mặc quần áo chật, băng ép... cũng khiến cho việc lưu thông tuần hoàn bị hạn chế. Đặc biệt, những người hút thuốc lá, người bệnh đái tháo đường hoặc bị các bệnh liên quan tới mạch máu... là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bỏng lạnh.

Chẩn đoán bỏng lạnh thường dựa vào lâm sàng, tiền sử tiếp xúc với lạnh, đôi khi phải loại trừ các bệnh tắc động mạch và tĩnh mạch.

Điều trị thế nào?

Để điều trị, đầu tiên phải đưa bệnh nhân tới nơi ấm áp, điều này rất quan trọng nhằm loại bỏ nguy cơ hạ thân nhiệt, từ đó kích thích cơ thể tự điều chỉnh. Tiếp đến, để bệnh nhân bất động hoặc băng kín nhằm ngăn chặn tổn thương thêm do các tinh thể nước đá di chuyển gây tổn hại mô. Ngâm tổn thương trong nước ấm 40 - 42oC. Cần lưu ý, không được cho bệnh nhân tiếp xúc với lửa hay lò sưởi, vì có thể dẫn tới tổn thương nặng nề hơn. Điều trị dự phòng huyết khối các mạch nhỏ bằng thuốc chống đông trong những giờ đầu và dự phòng hoặc điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, giảm đau. Thở ôxy áp lực cao. Với bệnh nhân bị hoại tử hoặc nhiễm khuẩn phải phẫu thuật, tuy nhiên phẫu thuật thường bị trì hoãn do cần thời gian để đánh giá toàn diện tổn thương, thông thường là 1 - 3 tháng, có thể kéo dài tới 6 tháng.

BS. Khánh cảnh báo, bỏng lạnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, đôi lúc nó được coi như một tai nạn, chấn thương do lạnh. Vì vậy, mọi người đặc biệt là các bậc cha, mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ vì trẻ em là đối tượng dễ tổn thương trước tác động của môi trường và hậu quả để lại thường rất nặng nề. Trong trường hợp bị tổn thương do lạnh, nên tìm cách đưa người bệnh vào phòng ấm và sơ cứu bất động vùng tổn thương, giữ ấm bằng nước ấm 38 - 42oC và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc điều trị.

( Theo suckhoedoisong.vn)

 

 

 

3125 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập