Vai trò của chế độ ăn trong phòng ngừa và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Trước gánh nặng đang gia tăng một cách đáng báo động của COPD trên toàn thế giới, nhu cầu xác định các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để phòng ngừa và điều trị COPD là rất cần thiết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động bất lợi của chế độ ăn uống kiểu phương Tây: giàu thực phẩm tinh chế, chất béo bão hòa, thịt và đường, đối với chức năng phổi và nguy cơ mắc COPD. Và ngược lại, chế độ ăn uống và chế độ ăn kiêng cụ thể: sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo không no có lợi cho việc duy trì chức năng phổi và ngăn ngừa COPD hoặc sự tiến triển của nó theo thời gian.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)theo định nghĩa của GOLD 2016 (Global initiative for Chronic Obstructive Lung Disease-COPD): COPD là một bệnh phổ biến, có thể phòng và điều trị được, bệnh có đặc điểm là giới hạn lưu lượng thở dai dẳng, tiến triển và thường kết hợp với đáp ứng viêm mạn tính ở đường thở và nhu mô phổi do các hạt và khí độc hại. Các đợt cấp và bệnh lý đi kèm góp phần làm bệnh nặng lên ở từng cá thể.Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gặp ở nam (4 - 6%) nhiều hơn ở nữ (1 - 3%).Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Theo dự báo của WHO đến năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu.Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn khá cao ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, năm 2010 tỷ lệ mắc là 4,2% dân số trên 40 tuổi. Gánh nặng COPD được dự báo sẽ gia tăng đáng kể dosự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ và sự thay đổi cấu trúc tuổi của dân số thế giới. Vì vậy, dự phòng và quản lý COPD hiện đang được coi là vấn đề sức khỏe lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và xã hội.

Biểu hiện lâm sàng chính của COPD là khó thở, ho và khạc đờm. Yếu tố nguy chủ yếu của bệnh là hút thuốc lá, hoặc hít phải khói thuốc lá, tiếp xúc với môi trường khói bụi, viêm nhiễm đường hô hấp… Chế độ ăn uống cũng đã được ghi nhận là một yếu tố nguy cơ đối với sự phát triển và tiến triển của bệnh COPD. Những thay đổi trong chế độ ăn uống trong vài thập kỷ qua, với việc giảm tiêu thụ trái cây, rau, ngũ cốc, cá, tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và tinh chế, đã được cho là góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh mạn tính, trong đó có COPD, chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Chế độ ăn uống không thể chữa khỏi được bệnh nhưng sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn, thể chất và tinh thần sẽ tốt hơn; có thể góp phần chống oxy hóa và tình trạng viêm trong COPD. So với nhóm chứng khỏe mạnh, đối tượng COPD có chế độ ăn ít trái cây và rau quả hơn. Và với hàm lượng chất chống oxy hóa kém hơn, tương quan với suy giảm chức năng phổi và nguy cơ mắc COPD. Hơn nữa, hấp thụ không cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng, thiếu hụt lượng vi chất dinh dưỡng (khoáng chất và vitamin, ví dụ như sắt, canxi, kali, kẽm, folate, vitamin B6, retinol, niacin) đã được ghi nhận ở bệnh nhân COPD so với nhóm chứng khỏe mạnh. Chất lượng chế độ ăn uống kém và sự thiếu hụt chất dinh dưỡng trong COPD, có liên quan đến các triệu chứng của bệnh (ví dụ: khó thở, mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, chán ăn, bệnh nha chu, mất vị giác, răng kém, khó nuốt, nhai kém và khả năng nuốt) hoặc các vấn đề xã hội (ví dụ: sống hoặc ăn một mình, hoặc nghèo đói).

1. Những thực phẩm có lợi cho bệnh COPD

* Vai trò của thực phẩm chống oxy hóa và chống viêm: Trái cây và rau quả

Có nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy tác dụng có lợi của việc ăn nhiều chất dinh dưỡng chống oxy hóa (vitamin và không vitamin) của các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chủ yếu là trái cây tươi cứng (táo, lê..), rau, đối với chức năng phổi và các triệu chứng COPD.

Tại Thụy Điển, người ta đã tiến hành hai nghiên cứu lớn trên cả nam giới và phụ nữ. Kết quả đã xác nhận rằng: nguy cơ mắc CODP thấp hơn 35% ở nam và 37% ở nữ giới tiêu thụ nhiều trái cây và rau trong thời gian dài(p <0,01). Ở bệnh nhân COPD, 1 tuần bổ sung nước ép củ cải đường trong chế độ ăn giúp cải thiện hô hấp của ty thể và sản xuất năng lượng thông qua sự hình thành nitric oxit, tăng mức nitrat trong huyết tương và giảm huyết áp tâm trương. Một thử nghiệm ngẫu nhiên khác báo cáo rằng bệnh nhân COPD theo chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả cho thấy FEV1 tăng hàng năm so với nhóm chứng theo chế độ ăn tự do trong 3 năm (p = 0,03). Nói chung, những nghiên cứu trên cho thấy tiêu thụ trái cây và rau quả là yếu tố quan trọng quyết định đến chức năng phổi và nguy cơ COPD.

* Vitamin và chất chống oxy hóa không phải viatamin

Các tác dụng có lợi của trái cây và rau đối với chức năng hô hấp có thể do hàm lượng cao chất chống oxy hóa vitamin và không phải vitamin của chúng. Do đó, chế độ ăn uống nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa ưa nước, có liên quan đến mức FEV1 cao hơn và tỷ lệ suy giảm FEV1 thấp sau 9 năm theo dõi. Vai trò bảo vệ cũng đã được ghi nhận đối với các vitamin khác như vitamin E hoặc tocopherol, một chất chống oxy hóa hòa tan trong lipid hoạt động hiệp đồng với vitamin C và có thể phá vỡ chuỗi phản ứng peroxy hóa lipid và bảo vệ phổi chống lại tổn thương oxy hóa. Nồng độ vitamin E huyết thanh thấp hơn đã được quan sát thấy trong đợt cấp COPD so với tình trạng COPD ổn định.

Butland và cộng sự đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa việc tiêu thụ nhiều trái cây cứng hơn, chẳng hạn như táo (5 quả táo trở lên mỗi tuần) và chức năng phổi (FEV1 cao hơn 138 ml ở những người ăn 5 quả táo trở lên mỗi tuần so với những người không ăn, 95% CI: 58,1 - 218,1, p < 0,001). Tương tự, Miedema đã tìm thấy mối liên hệ nghịch với tỷ lệ mắc COPD trong 25 năm đối với trái cây rắn (táo, lê) so với các loại trái cây khác. Trong một nghiên ở Châu Á, một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa mạnh và chất chống viêm polyphenol curcumin chiết xuất từ ​​nghệ có liên quan đáng kể và độc lập với các biện pháp cải thiện chức năng phổi, những ngườitiêu thụ lượng curcumins cao nhất có mức chức năng phổi cao hơn so với những người không tiêu thụ curcumins.

* Khoáng chất

Khẩu phần ăn và nồng độ canxi, magiê và selen trong huyết thanh của những người mắc COPD nặng được phát hiện là thấp hơn giá trị khuyến cáo. Lượng canxi và kẽm hấp thụ thấp hơn ở bệnh nhân COPD cao tuổi so với bệnh nhân không mắc COPD. Một nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát hiện ra mối liên quan tích cực giữa lượng canxi, phốt pho, sắt, kali và selen với chức năng phổi (FEV1), và mối liên hệ nghịch giữa lượng canxi trong chế độ ăn và nguy cơ COPD (giảm 35%). Gần đây, nghiên cứu trong một nhóm dân số chung ở Anh cho thấy lượng magiê hấp thụ cao có liên quan đến FEV1 cao hơn (lượng magiê cao hơn 100 mg/ngày có liên quan đến FEV1 cao hơn 52,9 ml (95% CI, 9,6–96,2). Magiê có thể đóng một vai trò có lợi trong chức năng hô hấp và COPD, thông qua tác dụng bảo vệ chống lại chứng viêm và co thắt phế quản.

* Ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ

Các nghiên cứu quan sát đã báo cáo tác dụng có lợi của việc ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt đối với chức năng phổi và chống lại tỷ lệ tử vong do bệnh hô hấp mãn tính. Ngũ cốc giàu axit phenolic, flavonoid, axitphytic, vitamin E, selen, và các axit béo thiết yếu, có thể góp phần bổ sung hoặc hiệp đồng vào tác dụng có lợi trong bệnh về đường hô hấp cũng như các bệnh mạn tính khác. Một phần tác dụng bảo vệ của ngũ cốc nguyên hạt cũng như của trái cây và rau quả là nhờ vào đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của hàm lượng chất xơ của chúng. Thật vậy, khẩu phần ăn có tổng chất xơ cao hơn làm giảm khoảng 40% nguy cơ mắc COPD đã được nghi nhận trong các nghiên cứu tiến cứu lớn.

2. Những thực phẩm không tốt cho bệnh COPD

Trong số các loại thực phẩm có khả năng gây hại cho phổi, người ta đã nhận thấy rằng việc tiêu thụ thường xuyên các loại thịt đã qua chế biến (thịt hun khói, xúc xích, thịt chế biến sẵn) và các loại thịt có màu đỏcó ảnh hưởng xấu đến chức năng phổi và với các bệnh không hô hấp khác như: tiểu đường và ung thư… Quan trọng hơn, các nghiên cứu ở Thụy Điển gần đây đã xác nhận tác động có hại này đối với việc tiêu thụ thịt có màu đỏ đã qua chế biến trong thời gian dài. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng ăn thịt đã qua xử lý làm tăng nguy cơ tái phát COPD. Nói chung, có bằng chứng cho thấy nguy cơ COPD tăng 40% khi tiêu thụ nhiều thịt cso màu đỏ chế biến hơn (> 75–785,5g/tuần).

Thịt có màu đỏ có hàm lượng cholesterol và axit béo bão hòa cao, ngoài ra thịt có màu đỏ đã qua chế biến còn có thêm nitrit, được thêm vào thịt chế biến trong quá trình sản xuất như một chất bảo quản, kháng khuẩn và giữ màu. Nitrit tạo ra các loại nitơ phản ứng, chẳng hạn như peroxynitrit có thể góp phần tạo ra và khuếch đạicác quá trình viêm trong đường thở.

Lượng natri trong chế độ ăn  của người bệnh COPD đã được báo cáo là cao hơn so với nhóm chứng khỏe mạnh và có liên quan đến chức năng phổi thấp hơn. Chế độ ăn uống tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, chẳng hạn như ngũ cốc tinh chế, món tráng miệng, đồ ngọt và đồ uống có đường có thể kích hoạt các phản ứng viêm liên quan đến các gốc oxy hóa và có liên quan đến suy giảm chức năng phổi và có thể thúc đẩy nhiễm trùng phổi. Những người tiêu thụ nước ngọt ở mức cao (> 0,5 L/ngày) có tỷ lệ mắc COPD cao hơn so với những người không tiêu thụ (OR = 1,79, KTC 95%: 1,32 - 2,43, p <0,001).

3. Kết luận

Trước gánh nặng đang gia tăng một cách đáng báo động của COPD trên toàn thế giới, nhu cầu xác định các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để phòng ngừa và điều trị COPD là rất cần thiết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động bất lợi của chế độ ăn uống kiểu phương Tây: giàu thực phẩm tinh chế, chất béo bão hòa, thịt và đường, đối với chức năng phổi và nguy cơ mắc COPD. Và ngược lại, chế độ ăn uống và chế độ ăn kiêng cụ thể: sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo không no có lợi cho việc duy trì chức năng phổi và ngăn ngừa COPD hoặc sự tiến triển của nó theo thời gian. Điều thú vị là mức độ ảnh hưởng của chế độ ăn uống đối với chức năng phổi được ước tính tương đương với việc hút thuốc lá mãn tính.

ThS. Bs CKII. Trương Ngọc Dương, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Tham khảo từ: “Role of Diet in Chronic Obstructive Pulmonary Disease Prevention and Treatment”, Nutrients 2019, 11, 1357.

2213 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập