Ứng dụng đặt stent kim loại cho bệnh nhân Ung thư thực quản giai đoạn cuối tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. 

Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh phổ biến; trên thế giới UTTQ đứng hàng thứ 8 trong số các bệnh ung thư; tại Việt Nam, UTTQ là một trong 10 loại ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 4 trong các ung thư đường tiêu hóa sau ung thư dạ dày và đại trực tràng…

UTTQ là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trong các ung thư về tiêu hóa, do bệnh nhân được chẩn đoán bệnh quá muộn; biểu hiện thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở thực quản và vùng hầu họng. Trên thực tế các triệu chứng ung thư thực quản chỉ xuất hiện khi tế bào ác tính đã lan tràn toàn bộ lòng thực quản, vì vậy việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Ung thư thực quản thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi, 80% số lượng người bị ung thư thực quản vào độ tuổi 55-85 . Nguy cơ mắc ung thư thực quản ở nam nhiều hơn nữ, nguyên nhân do lạm dụng rượu và hút thuốc. Ngoài ra còn có các nguy cơ khác như bệnh hay gặp ở người béo phì; người có bệnh lý thực quản như viêm thực quản trào ngược, bệnh tâm vị không giãn; chế độ ăn ít chất xơ và rau quả, thiếu các vitamin A, B2 và C… Bệnh nhân đã từng mắc các loại ung thư khác ở vùng đầu cổ có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản. Hiện nguyên nhân ung thư thực quản vẫn chưa được xác định rõ. Một số yếu tố tác động từ môi trường ngoài và nội tại của thực quản được coi là có liên quan đến ung thư. Đặc biệt, bệnh nhân bị UTTQ giai đoạn cuối khi khối u xâm lấn gần hết hoặc toàn bộ thực quản; bệnh nhân không thể ăn uống được; dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, làm cho cơ thể ngày càng suy kiệt. Từ đó, bệnh nhân có thể chết do dinh dưỡng kém trước khi chết vì ung thư. Chính vì thế, việc cải thiện dinh dưỡng cho bệnh nhân là rất quan trọng. Trước đây, để cải thiện dinh dưỡng cho những bệnh nhân UTTQ, người bệnh sẽ được mở nội khí quản, đưa ống xông từ cổ họng vào dạ dày để đưa thức ăn thẳng vào. Việc này gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân và có nhiều biến chứng khó lường, đáng lo ngại nhất là tổn hại lớn đến tinh thần của bệnh nhân. Do đó, đặt stent thực quản qua khối u sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, ăn uống được qua đường miệng, nâng cao chất lượng cuộc sống cuối đời. Từ đầu năm 2018, kỹ thuật đặt stent kim loại cho bệnh nhân UTTQ giai đoạn cuối đã được áp dụng thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Việc đặt stent kim loại ở thực quản bằng nội soi mở ra triển vọng cho bệnh nhân bị khối u thực quản không có chỉ định phẫu thuật; do khối u quá to hoặc đã di căn sang cơ quan khác. Từ khi triển khai kỹ thuật này, đã đặt stent thành công cho 5 bệnh nhân; quá trình đặt stent kim loại khoảng 30 phút, sau 24 giờ bệnh nhân có thể ăn uống bằng đường tự nhiên bình thường và xuất viện về nhà.  Sau đặt stent, bệnh nhân vẫn có thể truyền hóa chất hoặc tia xạ. Lưu ý: Để phòng tránh bệnh UTTQ, bác sỹ khuyến cáo cần thực hiện tốt các điều sau: - Không hút thuốc. - Hạn chế uống rượu bia. - Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. - Ăn theo chế độ khoa học, ăn uống đúng giờ và ăn thành nhiều bữa nhỏ. ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…. - Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý; tránh áp lực công việc, mệt mỏi, căng thẳng, stress…

Lan Hương

2039 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập