Bệnh nhồi máu cơ tim do nhiều yếu tố sinh lý và môi trường tác động đến hệ tim mạch. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, nhất là thời tiết lạnh khiến nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng cao; nhất là cơ thể người già rất khó thích nghi.
Đây là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trong 1 tuần vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận cấp cứu cho 5 trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã khẩn trương thăm khám, tiến hành hội chẩn và can thiệp kịp thời; sau can thiệpbệnh nhân phục hồi tốt.
Th.S.BS.CKII.Đào Hồng Quân - Trưởng đơn nguyên Can thiệp mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Khi cơ tim không được cung cấp máu nuôi dưỡng, nó sẽ hoại tử và gây ra triệu chứng đau ngực dữ dội. Việc chẩn đoán nhanh và can thiệp kịp thời sẽ quyết định sự sống còn của người bệnh.
Dưới đây là những yếu tố gây nhồi máu cơ tim:
1. Thay đổi nhiệt độ đột ngột:
• Co mạch ngoại biên: Nhiệt độ lạnh làm co mạch máu, tăng sức cản mạch máu và huyết áp, gây tăng tải cho tim. Điều này có thể kích hoạt cơn nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở những người có mảng xơ vữa.
• Tăng tiêu thụ năng lượng: Khi cơ thể cố gắng giữ ấm, nhu cầu năng lượng và oxy tăng, có thể gây thiếu máu cục bộ ở tim.
2. Biến động huyết áp:
• Giao mùa gây dao động lớn trong huyết áp, nhất là ở những bệnh nhân tăng huyết áp hoặc có bệnh lý nền tim mạch. Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến vỡ mảng xơ vữa hoặc huyết khối.
3. Thay đổi các yếu tố nội tiết:
• Tăng tiết catecholamine: Thời tiết lạnh hoặc thay đổi môi trường kích thích hệ thần kinh giao cảm, tăng tiết hormone như adrenaline và noradrenaline, làm tăng nhịp tim, huyết áp và co mạch, từ đó tăng nguy cơ NMCT.
• Rối loạn nhịp sinh học: Thay đổi ánh sáng và nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học, làm thay đổi nồng độ hormone như cortisol, ảnh hưởng đến sự ổn định tim mạch.
4. Tăng nguy cơ nhiễm trùng:
• Giao mùa thường đi kèm với gia tăng các bệnh đường hô hấp như cúm, viêm phổi. Các tình trạng viêm nhiễm này làm tăng phản ứng viêm toàn thân và nguy cơ huyết khối, từ đó thúc đẩy các biến cố tim mạch như NMCT.
5. Yếu tố hành vi và lối sống:
• Thời tiết thay đổi có thể khiến người bệnh giảm vận động, tăng căng thẳng hoặc không tuân thủ điều trị. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch.
6. Giảm khả năng thích nghi của hệ mạch máu ở người cao tuổi:
• Ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân có bệnh lý nền, khả năng giãn nở và co bóp của mạch máu kém, khiến cơ thể khó thích nghi với thay đổi nhiệt độ, làm tăng nguy cơ NMCT.
Để phòng ngừa bệnh lý nhồi máu cơ tim, cần:
- Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh và tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Duy trì lối sống lành mạnh; thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày đặc biệt là bữa sáng.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối và mỡ trong chế biến món ăn; bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về tim mạch cần tuân thủ điều trị và kiểm tra sức khỏe định kỳ để giảm nguy cơ NMCT; đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi.
- Chủ động khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì… nhằm kiểm soát sức khỏe tốt, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Khi xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, choáng váng, vã mồ hôi… cần đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa tim mạch ngay.