Tăng viện phí - Người bệnh không có thẻ BHYT sẽ chịu nhiều chi phí 

Từ ngày 1/6/2017, người không mua bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí nếu không may mắc bệnh. Có đến 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần so với giá cũ. Điều khác nhau cơ bản giữa 2 nhóm đối tượng này là bệnh nhân có thẻ BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% chi phí.

Xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm con trai bị tai nạn giao thông hơn một tuần nay, chị Đinh Thị Thái, xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) như “ngồi trên đống lửa”, bởi việc nhà nông còn bề bộn mà số tiền viện phí hơn 10 triệu đồng đang phải vay mượn thêm vì số tiền gia đình tích cóp chưa đủ. Người con trai 24 tuổi, làm nghề tự do không may bị TNGT phải điều trị tại khoa chấn thương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh. BHYT không có, tiền điều trị, thuốc thang, tiền ăn ở, đi lại… ngày một nhiều khiến gia đình lo lắng. Đấy là giá viện phí đang tính theo mức giá cũ khi chưa tăng, nếu tính theo mức tăng giá từ 1/6 thì số tiền phải trả gấp 2-3 lần, có thể lên đến gần 30 triệu đồng – một số tiền không hề nhỏ đối với những gia đình ở nông thôn như gia đình chị Thái.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn là gia đình chị Vũ Thị Hải Yến, thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp). Hai vợ chồng nghề nghiệp không ổn định, mỗi tháng tổng thu nhập được khoảng 5 triệu đồng. Anh chồng không may đau ruột thừa cấp, phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Không có BHYT, số tiền phải chi trả cho ca mổ, thuốc men, nằm viện, ăn uống, đi lại cả tuần lễ hết gần chục triệu đồng khiến chị Yến “thở ngắn, than dài”. Chị Yến chia sẻ: Tôi đã nói nhiều lần mà chồng tôi không nghe, cứ chủ quan bảo đang còn trẻ không ốm đau gì, giờ không may bị bệnh, nhà neo người, hết tiền, chúng tôi phải gửi con nhờ ông bà trông coi và nuôi giúp…

Được biết, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân đến KCB có thẻ BHYT chiếm gần 90%. Đối với nhiều khoa bệnh nặng, bệnh mãn tính như Ung bướu, thận tiết niệu…, hầu hết bệnh nhân đều có thẻ BHYT do chi phí điều trị cao và bệnh nhân phải chữa bệnh thường kỳ, dài ngày. Còn tại một số khoa như Chấn thương, Ngoại tổng hợp.., tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT mới chiếm khoảng 80%. Vẫn còn những bệnh nhân vào viện không có thẻ do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngộ độc… Do không có thẻ BHYT nên bệnh nhân phải chi trả 100% chi phí điều trị, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, đã có những gia đình bệnh nhân chưa khỏi hẳn đã phải xin xuất viện về sớm hoặc không thể điều trị bằng những loại thuốc tốt nhất.

Bác sỹ Bùi Văn Ngự, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khoa Ngoại tổng hợp hiện có gần 100 giường bệnh, công suất sử dụng luôn đạt 100%. Bình quân khoa có khoảng trên 80% bệnh nhân có thẻ BHYT. Trung bình một ca mổ chi phí ít nhất cũng 6-7 triệu đồng, nếu bệnh nhân có thẻ BHYT, mức cao nhất phải chi trả là 20% thì cũng chỉ mất hơn 1 triệu đồng/ca mổ, còn đối với những ca mổ bệnh nặng, phức tạp kéo dài, nếu không có BHYT, có thể phải chi trả đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Thực tế đáng buồn đã có nhiều bệnh nhân vì không có thẻ BHYT, nhưng chi phí điều trị quá lớn, kỹ thuật cao đã phải xin về hoặc cố gắng điều trị đã trở thành hộ nghèo, rơi vào khánh kiệt vì bệnh tật. Nhất là từ ngày 1/6, Bộ Y tế có quy định tăng giá dịch vụ y tế lên gấp nhiều lần, đòi hỏi mỗi người dân cần có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình.

Ông Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT “Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” của Bộ Y tế, ban hành ngày 15/3/2017, từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Theo đó, có khoảng 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh về giá. Với việc tích hợp thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí đối với ba yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức giá tăng tới 2-3 lần so với giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Cùng với đó, tiền khám và tiền giường tăng gấp 2-4 lần so với mức giá hiện nay. Tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; với bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng/lượt, hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và với bệnh viện hạng 4, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ của một ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi - lên mức 677.100 đồng, tại bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng, tại bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng… Mức tăng này tác động mạnh đến những bệnh nhân nội trú, phải nằm viện dài ngày. Việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả.

Tuy nhiên, Thông tư số 02/2017/TT-BYT là quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, theo lộ trình tính giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán của BHYT. Tuy có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 nhưng không phải là đến ngày 1/6/2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các Bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh ta đạt trên 84%; số còn lại chưa tham gia phần lớn thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Với việc tăng giá các dịch vụ y tế trong thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến ý thức và thúc đẩy người dân tham gia BHYT, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của tấm thẻ BHYT. Cùng với đó, sự ra đời của Thông tư 02/2017 sẽ giúp cho việc thực hiện chính sách chung về khám, chữa bệnh công bằng hơn khi áp dụng giá dịch vụ y tế tương đương giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Tuy nhiên, để gia tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT thì bên cạnh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cần có thêm các giải pháp khác như tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT, hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh… từ đó mới thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020.

(theo baoninhbinh.org.vn)

 

 

2137 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập