Sinh hoạt khoa học: Dịch bệnh mạn tính không lây thế kỷ 21. 

Để tìm hiểu, chia sẻ giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm; được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện; ngày 5/9/2018, phòng Đào tạo chỉ đạo tuyến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình phối hợp với công ty Văn hóa Việt Pharma tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: Dịch bệnh mạn tính không lây thế kỷ 21. Dưới sự giảng dạy của GS.TS. Phạm Hưng Củng -Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế. Tham dự buổi sinh hoạt khoa học có: đại diện công ty Văn hóa Việt Pharma, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa phòng và các bác sỹ trong toàn bệnh viện.

Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học

GS.TS. Phạm Hưng Củng -Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế

Theo Tổ chức Y tế thế giới thống kê các bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu; tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm đang chiếm số đông và vẫn tiếp tục gia tăng  từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đến tim mạch, đái tháo đường…dẫn đến tỷ lệ biến chứng và chi phí để điều trị cũng tăng theo. Ước tính, tổng số ca tử vong trong vòng 10 năm (từ năm 2005 đến 2015) ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đã gia tăng cao nhất so với toàn thế giới, với tỷ lệ tăng 21% ở Đông Nam Á và 12,3 triệu ca tử vong ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Sự gia tăng các BKLN trở thành một rào cản lớn đối với sự phát triển toàn cầu, nhất là trong quá trình đạt tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm; và chỉ có 43,1% số người mắc bệnh tăng huyết áp được bác sĩ chẩn đoán, 31% người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường và rất nhiều người chưa được sàng lọc bệnh ung thư. Năm 2017, Việt Nam có trên 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân; trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%. Các bệnh không lây nhiễm chưa được kiểm soát tốt là nguyên nhân gây ra những gánh nặng bệnh tật. Các yếu tố nguy cơ đối với BKLN bao gồm các tác nhân tiềm ẩn (các định tố xã hội, vấn đề toàn cầu hóa, đô thị hóa, môi trường, già hóa…), các hành vi nguy cơ (bao gồm  chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thuốc lá, lối sống tĩnh tại lười vận động) và các yếu tố nguy cơ về chuyển hóa/sinh lý (như tăng đường huyết, tăng huyết áp, béo phì và tăng lipid máu). Những yếu tố nguy cơ này kết hợp với nhau thành một loạt tuyến đường dẫn đến các BKLN như: tiểu đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và bệnh phổi mạn tính. Trong đó, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (gồm: hút thuốc, thừa cân, tăng huyết áp, ăn ít rau/trái cây và thiếu hoạt động thể lực) có xu hướng tăng nhanh. Kết quả điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy: 57,2% số người ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày; 43,8% số người đang uống rượu bia; 22,5% số người trên 15 tuổi hiện có hút thuốc; 28,12% số người thiếu hoạt động thể lực dưới 150 phút hoạt động cường độ trung bình/tuần hoặc tương đương...Đặc biệt, tỷ lệ người thường xuyên và luôn luôn ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối là 10% (9,4g/ngày gấp hai lần so với khuyến nghị 5g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới). Ăn nhiều muối dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, ung thư dạ dày, sỏi thận... Để phòng chống hiệu quả các bệnh không lây nhiễm; ngoài việc giải quyết tốt các vấn đề về toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa, nghèo đói, thiếu kiến thức, môi trường…cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và lạm dụng rượu bia. Thông qua các giải pháp: Giảm ăn muối, giáo dục sức khoẻ, can thiệp tâm lý, tăng thuế và cấm quảng cáo thuốc lá, tổ chức các khu vực không khói thuốc...Qua đó, đem lại sức khỏe lành mạnh cho mỗi người.

Lan Hương

1347 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập