Phòng chống dịch bệnh bạch hầu. 

Bệnh bạch hầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh bạch hầu đang có chiều hướng gia tăng,  số ca mắc đã gấp 3 lần năm ngoái, Bệnh chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, đã có trường hợp tử vong, đều ở vùng sâu vùng xa, do phát hiện muộn. Bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp, bên cạnh đó đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em và bạch hầu nhạy cảm với kháng sinh điều trị thông thường...

BS.CKI. Phạm Trung Mạnh - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Bệnh bạch hầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh bạch hầu đang có chiều hướng gia tăng,  số ca mắc đã gấp 3 lần năm ngoái, Bệnh chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, đã có trường hợp tử vong, đều ở vùng sâu vùng xa, do phát hiện muộn. Bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp, bên cạnh đó đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em và bạch hầu nhạy cảm với kháng sinh điều trị thông thường.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu - tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; nặng thì hôn mê, sau đó tử vong. Một số trường hợp biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Ở những người không được tiêm phòng, hoặc không được điều trị kịp thời, 10% trường hợp người bệnh sẽ tử vong mặc dù đã dùng kháng sinh và sử dụng thuốc chống huyết thanh.

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau; tuy nhiên đều có các triệu chứng điển hình như: triệu chứng xuất hiện từ 2 đến 5 ngày sau phơi nhiễm, người nhiễm bệnh sẽ mệt mỏi, chán ăn, đau họng, ho, sổ mũi và sốt kèm ớn lạnh… Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Bác sỹ Mạnh cũng cho biết thêm: Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ngoài ra, nếu người bệnh ngưng điều trị giữa chừng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.

Chính vì thế, biện pháp phòng chống tốt nhất là tiêm vaccine cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em từ 2 - 4 tháng tuổi tiêm rộng rãi vaccine phòng bệnh và tiêm nhắc lại vaccine 3 trong 1 đối với trẻ từ 18 - 24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5 - 7 tuổi, còn với người lớn tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).

Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng; triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế; Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh bạch hầu, cần phải báo ngay cho cơ quan y tế dự phòng theo quy định…

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, đã thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh bạch hầu, tổ chức tập huấn cho 100% y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế; giúp nhân viên y tế tìm hiểu phương pháp, kỹ năng giám sát và phòng bệnh bạch hầu, chủ động giám sát phát hiện tất cả các trường hợp nghi ngờ bạch hầu ở mọi nơi tại cộng đồng cũng như tại các cơ sở y tế.

BVĐKNB tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về “Chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh bạch hầu”

Hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm và gửi về Viện vệ sinh dịch tế trung ương; quản lý, điều trị nếu có bệnh nhân.

Triển khai công tác truyền thông phòng chống dịch.

Ngoài ra, chuẩn bị đủ về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.

P.CTXH

2101 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập