Phòng bệnh tim mạch khi trời lạnh. 

Để phòng tránh bệnh lý tim mạch khi trời lạnh, các bác sỹ khuyến cáo mỗi người dân (đặc biệt là người cao tuổi) cần trang bị những kiến thức về cách phòng bệnh tim mạch, duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe.

Theo Bộ Y tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, mỗi năm ước tính 17,9 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm; trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Đây là bệnh đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế.

Hiện nay thời tiết có sự thay đổi đột ngột, lúc ẩm, lúc lạnh, nhất là ban đêm và khi sáng sớm  nhiệt độ xuống thấp tác động tiêu cực tới trái tim, khiến các bệnh về tim mạch gia tăng; đặc biệt là đối với người cao tuổi và những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

Theo BS.Nguyễn Thị Huyền - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: trong những ngày thời tiết lạnh, số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện tăng, trong đó chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Nguyên nhân do mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, kéo theo tăng 21% các biến chứng tim mạch; trời lạnh còn làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Đối với người già trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, lưu lượng máu qua não rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, nguy cơ bị đột quỵ nói riêng và các bệnh về tim mạch nói chung cao hơn. Đặc biệt tăng cao đối với những bệnh nhân có tiển sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… Với người có bệnh mạch vành, theo các bác sĩ, khi trời lạnh nhu cầu ô xy cho cơ tim tăng hơn, do đó có thể xuất hiện dấu hiệu như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, từ đó tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi. Với những người bị bệnh tiểu đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.

* Để phòng tránh bệnh lý tim mạch khi trời lạnh, các bác sỹ khuyến cáo mỗi người dân (đặc biệt là người cao tuổi) cần trang bị những kiến thức về cách phòng bệnh tim mạch, duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe:

- Thực hiện tiết chế dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia.

- Duy trì tập thể dục thường xuyên; tuy nhiên không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh. Khi ra ngoài trời cần giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang.

- Những người có tiền sử bệnh tim không được bỏ thuốc, cần uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ. đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.

- Đối với người già, để phòng tránh bệnh lý về tim mạch, đột quỵ không nên đi ra ngoài lúc đêm tối và sáng sớm khi trời lạnh, nhất là khi mới ngủ dậy; thường xuyên tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng, tập ở nơi kín gió. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm. Nên ăn đủ bữa trong ngày.

- Các bác sĩ cũng lưu ý, đối với người có tiền sử bệnh tim mạch cần cảnh giác với cái lạnh, giữ đủ ấm, không hoạt động ngoài trời trong thời tiết lạnh để tránh dẫn đến hạ thân nhiệt đột ngột, làm bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, nếu trong lúc tập thể dục cảm thấy đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm…hoặc nói ngắt quãng một cách bất thường khi đang tập thể dục, cần ngừng tập ngay lập tức.

- Khi có các dấu hiệu sau cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

+ Đối với bệnh nhồi máu cơ tim, triệu chứng thường bao gồm: đau thắt ngực; đau ngực lan lên hàm hoặc xuống lưng, cánh tay và bàn tay trái kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện; khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn; nôn ói; lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh…Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim,“thời gian vàng” để được can thiệp cấp cứu kịp thời thường là 12 giờ, đối với bệnh nhân còn đau ngực có thể kéo dài đến 24 giờ. Tuy nhiên, bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì cơ hội cứu sống và phục hồi của bệnh nhân càng cao”.

+ Đối với bệnh đột quỵ não, thường có các biểu hiện: méo miệng, yếu liệt tay chân khó cử động, ngôn ngữ bất thường…khi xuất hiện các triệu chứng một cách đột ngột, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. “Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ là vô cùng quan trọng, nếu phát hiện và tiến hành chữa trị sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ thì sẽ tránh khỏi tình trạng tử vong là rất cao, tránh được nguy cơ bị tàn phế sau đột quỵ cho bệnh nhân cũng rất lớn.

Trịnh Hương Giang

819 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập