Ngày Vì nạn nhân chất độc màu da cam 

Chất độc hóa học trong chiến tranh gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người; đã làm cho 4.8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, khi chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn để lại những di chứng; nhiều nơi các hệ sinh thái và môi trường bị hủy hoại; hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể; gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh. Tác động quan trọng trong gây đột biển gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là dị dạng, dị tật hoặc tâm thần phân liệt… Chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC: Kể từ năm 1998 đến nay, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công, trong đó quy định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu họ được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước… Từ đó, hàng loạt chính sách của Nhà nước được ban hành nhằm quan tâm hơn nữa đến người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện. Ngày 10/8/2009, ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" được tổ chức lần đầu tiên, nhằm lên tiếng đòi công lý cho những nạn nhân của chất độc này trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi cộng đồng xã hội trong nước cũng như quốc tế chăm sóc, giảm bớt một phần nỗi đau cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt nam. Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ “Công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”. Tại Ninh Bình, trong những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân tỉnh đã tích cực quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin; đặc biệt là chăm sóc về sức khỏe. Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với nạn nhân da cam; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động xã hội nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái”; tích cực vận động gây quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sửa chữa, xây nhà ở kiên cố. Thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh; trao học bổng cho con cháu nạn nhân…qua đó tạo điểm tựa để các nạn nhân da cam ổn định cuộc sống. Để thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình luôn thực hiện chế độ ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công, gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam; hưởng ứng các phong trào giúp đỡ, chăm sóc;  vào các ngày lễ, tết thường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, hội chữ thập đỏ…thăm, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; qua đó, động viên tinh thần các nạn nhân và gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

CTXH

3104 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập