Luật Bảo hiểm Y tế sau 3 năm đi vào cuộc sống 

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức, cá nhân để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định thể hiện tính cộng đồng, tương thân, tương ái, góp phần vào ổn định an sinh xã hội.

Ngày 14/11/2008, Luật BHYT được Quốc hội khóa 12 thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, đã đánh dấu sự kiện pháp lý quan trọng đối chính sách BHYT thể hiện ý chí, quyết tâm của Nhà nước trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và xây dựng nền Y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Nhiều kết quả khả quan sau 3 năm thực hiện Luật BHYT

Kể từ khi được thông qua đến hết năm 2011, Bộ Y tế đã xây dựng và trình ban hành 20 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Luật BHYT được người dân đánh giá là có các văn bản hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo chất lượng và cơ bản đúng tiến độ.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BHYT luôn chặt chẽ. Chỉ tính trong quý 1 năm 2012, Vụ BHYT, Bộ Y tế đã tổ chức giám sát thực hiện Luật đối với học sinh, sinh viên tại 5 tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT, đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật. Ngoài ra, Vụ BHYT, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT tại 12 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện tuyến tỉnh. Sau các đợt kiểm tra, các cơ quan đã kịp thời rút kinh nghiệm trong tổ chức khám chữa bệnh BHYT và sử dụng Quỹ BHYT…

Tính đến 31/12/2011, tổng số người tham gia BHYT là 55,9 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 63,7% dân số, tăng 11 triệu người so với thời điểm Luật BHYT chưa có hiệu lực.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2011, có 10.988 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, bao gồm: 54 cơ sở y tế tuyến trung ương; 543 cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 1.354 cơ sở tuyến huyện và tương đương; 381 cở sở y tế tư nhân; 8.656 trạm y tế xã và y tế cơ quan, đơn vị. So với năm 2010, số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT tăng 40%. Cũng trong năm 2011, đã có 114 triệu lượt người bệnh BHYT đi khám bệnh bằng thẻ BHYT, nâng tần suất trung bình khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT lên 2,05 lần/người/năm. Việc mở rộng các cơ sở y tế đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT  cho người bệnh đã góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có nhiều lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh.

Về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, đến cuối năm 2011, có 818 bệnh viện ở 59 tỉnh, thành phố áp dụng phương thức thanh toán định suất, chiếm 35,5% cơ sở khám chữa bệnh BHYT (không kể trạm y tế xã). Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số thu năm 2011 ước tính đạt 25.513 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2010. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, Quỹ BHYT đã cân đối thu chi, bù đắp phần bội chi của những năm trước và đã có kết dư.

Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân

Có thể nói, sau 3 năm thực hiện Luật BHYT đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm. Đến nay, số đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT chỉ đạt 75,6%. Số còn lại bao gồm hơn 6 triệu người lao động tại các doanh nghiệp và 74% người cận nghèo.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động chưa đầy đủ, họ chưa ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia BHYT. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra chưa thường xuyên, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp sử dụng lao động tuân thủ.

Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành ở các địa phương chưa chặt chẽ, công tác tham mưu xây dựng chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng chưa được quan tâm đúng mức, người dân còn thiếu thông tin về những quy định mới của Luật BHYT, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, vai trò quản lý của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cũng chưa phát huy đầy đủ, các chỉ tiêu phát triển đối tượng và thực hiện chính sách BHYT theo kế hoạch của cơ quan BHXH tỉnh chưa kết nối với cân đối kế hoạch vĩ mô của toàn tỉnh, nên rất khó quy trách nhiệm, cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển đối tượng BHYT trên địa bàn.

Với quyết tâm thực hiện nghiêm Luật BHYT, chủ đề hành động của Ngày Bảo hiểm Y tế năm 2012 được chọn là “Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân” cùng 5 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để có những đề xuất sửa đổi bổ sung Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn khác cho phù hợp, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thực hiện Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định rõ trách nhiệm của các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT; tăng cường nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về BHYT, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT, hướng dẫn lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp; tiếp tục triển khai tốt Chương trình 527/CTr-BYT của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT… nhằm phục vụ tốt hơn nữa người bệnh BHYT; cơ quan BHXH cần nghiên cứu, đổi mới nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, đảm bảo kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và sử dụng Quỹ BHYT có hiệu quả.

(Theo t5g.org.vn)


 

1004 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập