Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường hô hấp mãn tính, gây tắc nghẽn luồng khí thở ra, cản trở sự thông khí ở phổi.
Nguyên nhân gây bệnh là do các hạt bụi hoặc khí độc hại ở ngoài môi trường tác động khiến phổi bị tổn thương. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, đặc biệt là người hút thuốc lào, thuốc lá, người hay tiếp xúc với khói bếp than, khói rơm rạ, khói bếp củi, khói hương hoặc bụi và các loại khí độc hại.
Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh COPD là ho, khạc đờm và khó thở. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường nhẹ. Bệnh nhân thường bỏ qua và nghĩ rằng đây là triệu chứng bình thường do hút thuốc lá. Trong khi đó, hút thuốc là nguyên nhân quan trọng nhất gây COPD, 80%-90% người mắc COPD liên quan đến hút thuốc lá. Ngay cả khi khó thở khi gắng sức (xuất hiện khi đi lên cầu thang, khi đi bộ nhanh trên đường bằng ….), nhiều khi bệnh nhân cũng chủ quan, không để ý và cho rằng đây là biểu hiện thông thường do tuổi già.
Người bệnh COPD thường kèm theo các bệnh kết hợp như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, do đó có thể chồng lấp với triệu chứng các bệnh này, và có thể là lý do bỏ sót chẩn đoán.
Hiện nay chẩn đoán COPD cần dựa vào đo chức năng hô hấp, khi chỉ số FEV1/FVC sau thuốc giãn phế quản < 0,7 thì được chẩn đoán xác định
Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát âm thầm với triệu chứng ít người nhận biết hoặc trùng lặp với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường nên đa số người bệnh chưa được phát hiện để quản lý bệnh sớm.
Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và quản lý bệnh Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là rất quan trọng, giúp:
- Giảm biến chứng.
Một số biến chứng của bệnh COPD là suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong. Phát hiện sớm để quản lý bệnh, duy trì bệnh COPD ổn định giúp góp phần giảm nguy cơ tổn thương phổi, cải thiện chức năng hô hấp, hạn chế nguy cơ bệnh tăng nặng, giảm số lần bệnh nhân bị lên cơn khó thở đợt cấp phải nhập viện, dự phòng xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
- Tăng cường chất lượng sống.
COPD là bệnh mạn tính, khi đã mắc phải, người bệnh phải chung sống suốt đời cùng bệnh. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị dự phòng đúng cách là đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, COPD sẽ được kiểm soát hiệu quả, các triệu chứng như khó thở, khó thở khi gắng sức... sẽ thuyên giảm, bệnh tiến triển chậm lại, từ đó sẽ giảm nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm, giúp người bệnh lấy lại niềm vui sống.
- Giảm chi phí điều trị.
Điều trị ngoại trú Hen và COPD ở giai đoạn ổn định để tránh đợt cấp là giải pháp có hiệu quả cao. Chi phí trực tiếp để điều trị duy trì bệnh nhân bị COPD giai đoạn ổn định trong vòng một năm ít hơn nhiều lần chi phí cần chi trả cho bệnh nhân phải điều trị đợt cấp. Nghĩa là có thể giúp giảm 90% chi phí nếu chúng ta điều trị bệnh nhân COPD ở giai đoạn ổn định. Do đó, để giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh và xã hội, cần tầm soát và quản lý sớm bệnh hen phế quản và COPD.
Mỗi năm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, quản lý và điều trị ngoại trú cho gần 1000 người bệnh bệnh phổi mạn tính.
- Khám, sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân có các triệu chứng nghi bệnh phổi mạn tính sớm bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính.
- Tư vấn chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc, Phục hồi chức năng các bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính
- Phối hợp với các chuyên khoa khác trong khám chữa bệnh.
- Hướng dẫn chế độ chuyển tuyến, hưởng bảo hiểm, hẹn khám theo Bảo Hiểm cho các bệnh nhân có thẻ BH đăng kí ban đầu tại tuyến dưới.
- Bệnh nhân đợt cấp được chuyển điều trị nội trú tại khoa Nội Hô Hấp.
BS.CKII.Vũ Phương Dung (K.Nội hô hấp)