Hưởng ứng ngày Thị giác thế giới năm 2018. 

Trên thế giới, hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ. Cứ 5 giây, thế giới có thêm 1 người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm một trẻ bị mù.

90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn, Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa, 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% người mù được cho là có thể phòng chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa được và 15% là có thể phòng ngừa được). Vì vậy, bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo người dân nên đi kiểm tra mắt định kỳ, người bình thường 1 lần/năm; khám sàng lọc các bệnh tật khúc xạ từ 3 – 6 tháng/lần; những bệnh nhân bị bệnh glôcôm nên đo nhãn áp định kỳ; trong trường hợp khi có bất thường về mắt cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Với mục tiêu “Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2020”, Tổ chức Y tế thế giới và tổ chức phòng chống mù lòa Quốc tế đã chọn ngày thứ 5 của tuần thứ 2 tháng 10 hàng năm là Ngày Thị giác thế giới.

Ngày thị giác thế giới năm 2018 được lấy chủ đề “Chăm sóc mắt cho mọi người dù ở bất kỳ nơi đâu”; nhằm kêu gọi toàn xã hội nhận thức về tầm quan trọng của thị lực, ý nghĩa của đôi mắt sáng và cùng nhau tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt tại cộng đồng.

Tính đến năm 2017, ước tính số mù tại tỉnh Ninh Bình hiện nay khoảng 5.300 người, số người mù 2 mắt phát sinh hàng năm khoảng 950 người. Nguyên nhân gây mù chủ yếu là: Đục thủy tinh thể chưa phẫu thuật, bệnh lý bán phần sau, biến chứng do phẫu thuật đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, bệnh glôcôm, tật khúc xạ. Trong đó, bệnh đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu ở người cao tuổi và nguyên nhân khác như bệnh võng mạc đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng.

Trong những năm trở lại đây, công tác phòng, chống mù lòa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được các cấp ủy, chính quyền và ngành Y tế thường xuyên quan tâm. Các hoạt động chăm sóc mắt trong cộng đồng được tổ chức rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú; hàng năm hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới, các đơn vị trong ngành Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, chăm sóc mắt toàn diện, khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí các bệnh về mắt cho người dân nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ mắt.

Theo kế hoạch phòng, chống mùa lòa giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Uy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đưa ra mục tiêu cụ thể: Tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.

Đến năm 2020: Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 16 người/1.000 dân;tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 80%; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 45%;tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 70%.

Đến năm 2030: giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,0 người trên 1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12 người/1.000 dân;tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%;tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%;tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo, cần tăng cường các giải pháp: củng cố và kiện toàn hệ thống chăm sóc mắt ở các tuyến; nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở nhãn khoa; tăng cường về phát triển chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, Để chương trình phòng, chống mù lòa giai đoạn 2015-2020 tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng, chống mù lòa, phổ biến kiến thức các bệnh về mắt để người dân chủ động đi khám và điều trị các bệnh về mắt. Ngoài hoạt động khám, điều trị cho người dân tại các bệnh viện, công tác khám tật khúc xạ, chăm sóc các bệnh về mắt cho trẻ em được quan tâm; công tác chăm sóc người khiếm thị, người mù tại cộng đồng được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Tổ chức TTGDSK cho người bệnh
PT Phaco co bệnh nhân đục thủy tinh thể

 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, cùng với đội y, bác sĩ chuyên ngành mắt thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Từ đầu năm 2018 cho đến nay đã khám cho hơn 6000 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt; phẫu thuật và điều trị nội trú cho hơn 1300 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt. Đặc biệt, hiện nay khoa Mắt đã triển khai thành công kỹ thuật nối lệ đạo và phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, việc thực hiện thành công kỹ thuật này giúp cho mắt bệnh nhân bị bệnh đục thủy tinh thể có thể nhìn thấy và trở lại cuộc sống sinh hoạt lao động bình thường.

Ngoài ra, bệnh viện thường xuyên tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách; trong đó có bệnh nhân bi các bệnh về mắt được cho thuốc, giới thiệu đến các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương để khám, điều trị và phẫu thuật. Phối hợp với bệnh viện Mắt trung ương về thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại bệnh viện; thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân theo chuyên đề các bệnh về Mắt.

Để duy trì và nâng cao sức khỏe cho đôi mắt, cần thực hiện tốt một số điều sau:

1.Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý: ăn uống đủ chất, chú ý đến các thực phẩm tốt cho mắt như rau củ, trái cây có màu cam, vàng, đỏ, hoặc ngũ cốc, cá biển…

  1. Để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc trước màn hình điện tử bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 6 mét. Ngoài ra, hãy ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt luôn tràn đầy sức sống.

3.Khi đi ra ngoài nên trang bị kính râm có khả năng chống tia UVA, UVB và giảm độ sáng chói tốt. Bởi các tia UVA, UBV chiếu trực tiếp vào mắt có thể gây bỏng mắt, nóng rát mi mắt, khiến mắt cộm, ngứa, khô rát và có nguy cơ dẫn đến mù loà. Ngoài ra môi trường ánh sáng quá mạnh sẽ khiến mắt phải nheo, điều tiết liên tục, từ đó dễ gây mỏi mắt.

  1. Tránh khói thuốc:  thuốc lá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp mà còn là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.
  2. Khám mắt định kỳ: Bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo người dân nên đi kiểm tra mắt định kỳ; người bình thường khám 1 lần/năm; khám sàng lọc các bệnh tật khúc xạ từ 3 – 6 tháng/lần; những bệnh nhân bị bệnh Glôcôm nên đo nhãn áp định kỳ; trong trường hợp khi có bất thường về mắt cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

                                                                                                                                                                   Lan Hương

1605 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập