Đơn nguyên Nội thận - Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai đặt Catheter lọc màng bụng trong điều trị suy thận mạn 

Trên thế giới, hàng năm có khoảng hơn 500 triệu người bị các bệnh lý về suy thận mạn tính (tương đương 10% dân số); ở Việt Nam là khoảng 6 triệu người, trong đó có 8.000 ca suy thận mới. 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thường xuyên điều trị cho 216 bệnh nhân chạy thận lọc máu chu kỳ và hơn 400 bệnh nhân chạy thận lọc máu cấp cứu, 1 năm khoảng 30 nghìn lượt chạy thận lọc máu chu kỳ; với 30 máy lọc máu thông thường công suất hoạt động hàng ngày, 3 máy lọc máu HDF online (3 ca/ngày); vào thứ 2 và thứ 6 thực hiện 4 ca/ngày, mỗi ca thực hiện đồng thời 30 bệnh nhân; nhưng vẫn có những bệnh nhân có nhu cầu chạy thận đăng ký mà chưa được đáp ứng.

Theo Bác sỹ Nguyễn Trường Sơn - Trưởng đơn nguyên Nội thận cho biết: “Khi thận suy tiến triển đến giai đoạn cuối, thận mất chức năng lọc nên bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu hoặc  ghép thận. Tuy nhiên, việc ghép thận không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi khó tìm được người cho thận, chi phí cao... nên phần lớn bệnh nhân được điều trị thay thế bằng phương pháp lọc máu”. Do thận bị suy, không còn chức năng lọc nên phải lọc máu để lấy chất độc ra. Nếu chạy thận nhân tạo qua máy thì toàn bộ máu bệnh nhân được lọc qua một màng lọc nhân tạo để tách chất độc, nhưng lọc máu qua màng bụng (còn gọi là lọc máu ngoài thận hay là phương pháp thẩm phân phúc mạc) là sử dụng ngay chính màng bụng của bệnh nhân để lọc.

Từ tháng 1/2017 cho đến nay, đơn nguyên Nội thận phối hợp với Bác sỹ khoa Ngoại thận dưới sự chuyển giao của các Giáo sư, Tiến sĩ Bệnh viện Bạch Mai tiến hành triển khai thành công kỹ thuật đặt Catheter lọc máu trong màng bụng cho 5 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Lọc máu qua màng bụng có tác dụng điều trị giống như chạy thận nhân tạo. Đầu tiên, bệnh nhân được mổ một vết nhỏ ở bụng; các bác sĩ sẽ đặt một ống Catheter vào ổ bụng bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở. Qua ống Catheter - Tenchkoff  này, dịch lọc sẽ được đưa vào ổ bụng. Sau 4 giờ ngâm trong ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Khi đã hút các chất độc, dịch lọc chứa các độc tố sẽ được đưa ra ngoài qua nhánh thứ 2 của Catheter đặt cố định. Sau khi xả hết dịch thải lọc qua ống dẫn, bệnh nhân sẽ tiếp tục quy trình mới: đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng và lại thải ra sau 4 giờ. Lượng dịch lọc đưa vào ổ bụng khoảng 2 lít mỗi lần, mỗi lần 20 phút và mỗi ngày sẽ thực hiện 4 lần.

Với phương pháp lọc máu qua màng bụng, bệnh nhân không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như khi chạy thận nhân tạo, ít biến chứng, bệnh nhân cũng có thể thực hiện ngay tại nhà qua đó tiết kiệm được chi phí nằm viện, ăn ở, sinh hoạt, đi lại chăm sóc đồng thời góp phần làm giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Quá trình lọc máu diễn ra liên tục, vì thế sức khỏe bệnh nhân ổn định, tránh được tình trạng đau nhức cơ, sạm da, mất máu cũng như ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể vốn đã suy yếu; Bệnh nhân duy trì chức năng thận tồn dư lâu hơn. Phương pháp này có thể áp dụng được cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch, như: suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp...

Chi phí cho một ca phẫu thuật đặt Catheter thường khoảng 9 triệu đồng tùy theo kỹ thuật mổ và loại thiết bị;  hiện bảo hiểm y tế đã thanh toán 100%.

 

Lan Hương

 

1704 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập