Bệnh thường hay gặp nhất vào mùa thu – đông, khi thời tiết giao mùa.
“Mẩn đỏ – mụn nước – ngứa”: ba dấu hiệu đặc trưng của bệnh eczema
Bệnh thường gặp ở tuổi ấu thơ với triệu chứng điển hình là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Nó có nhiều biểu hiện nhận biết nhưng bộ ba dấu hiệu chuẩn mực nhất đó là “đỏ da, mụn nước và ngứa”.
Thông thường, các bệnh ngoài da đều hay có biểu hiện ngứa. Nhưng trong bệnh eczema, dấu hiệu ngứa da là dấu hiệu điển hình nhất. Đa phần người bệnh đi khám vì ngứa quá, không chịu được và vì các biến chứng do ngứa gãi.
Thường thì khi tiếp xúc với một dị nguyên hay là một yếu tố gây dị ứng nào đó, da vùng tiếp xúc sẽ bị đỏ lên rất điển hình. Vị trí hay gặp ở mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân; Đám đỏ da có nhiều kích thước khác nhau nhưng thường là các đám kích cỡ khoảng 1 – 2cm đường kính. Chúng có đặc điểm là ngứa, đỏ và tập trung nhiều ở trung tâm. Quan sát kỹ, thực chất đám đỏ da có các mụn nước nhỏ li ti lấm tấm như đầu đinh ghim nổi lên lờ mờ.
Chỉ sau đó một vài tiếng hay nửa ngày, trên các đám đỏ da nổi lên các nốt mụn nước ở chính tâm. Các nốt mụn có đặc điểm là to dần, màng da che phủ khá dày, không có mủ và càng ngày càng ngứa hơn. Khi gãi bật ra hoặc gãi cho chảy máu thì hết ngứa hoặc ngứa giảm. Nhưng đáng tiếc là giảm được ngứa thì da lại bị nhiễm khuẩn hoặc sẽ bị tổn thương sâu hơn để lại sẹo.
Trong cả hai giai đoạn là đỏ da và mụn nước, ngứa da bao giờ cũng đi kèm và làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, nhất là một số người thuộc thể địa dị ứng, nóng tính, da khô thì càng cảm thấy ngứa hơn. Ngứa liên tiếp, ngứa liên hồi, càng gãi càng ngứa, càng kỳ cọ càng kích thích. Dù đã được dặn dò kỹ là không được cào gãi nhưng đa phần các bệnh nhân không chấp hành được. Cũng chính vì ngứa da mà làm cho người bệnh phải đi khám.
Ngoài 3 triệu chứng đặc trưng đã nói trên, bệnh eczema còn nhiều dấu hiệu khác nữa như chảy nước, chảy máu, đóng vảy, chảy mủ…
Điều trị thế nào?
Eczema là bệnh có liên quan đến thể tạng dị ứng. Thời tiết hanh mùa thu, đông làm giảm chức năng của hàng rào bảo vệ da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da, do đó dễ phát bệnh. Cho đến nay, chưa có một biện pháp đặc hiệu nào để ngăn ngừa bệnh không tái phát nhưng việc điều trị lại rất hữu ích bằng các thuốc bôi và dùng thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân của bệnh. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như: len dạ, phấn hoa, thảm trải sàn, một số loại thức ăn hay gây dị ứng. Không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ. Bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.
Điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhi. Tuỳ theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà dùng thuốc bôi phù hợp.
(theo suckhoedoisong.vn)