Dịch bệnh thường hay gặp mùa hè và cách phòng tránh 

Vào thời điểm chuyển sang mùa hè, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; vì thế công tác phòng chống dịch, bệnh không thể lơ là. 

Vào thời điểm chuyển sang mùa hè, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và dễ bùng phát các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, viêm màng não, tay chân miệng, tiêu chảy…vì thế công tác phòng chống dịch, bệnh không thể lơ là. 

BS.CKI.Trần Thái Sơn - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo cách phòng tránh một số bệnh thường gặp:

1.Bệnh tiêu chảy

  •  Thời tiết mùa hè vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào cơ thể, gây ra bệnh tiêu chảy (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
  • Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy rất đa dạng, trong đó, một số nguyên nhân thông thường gây tiêu chảy là: Nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, thuốc men hoặc do rối loạn đường ruột.

  • Để phòng tránh bệnh tiêu chảy cần thực hiện tốt các điều sau:

    Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

    Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.

    Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

    Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ. Không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý để bón cây trồng.

    Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.

    2. Bệnh viêm phổi

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý về hô hấp thường gặp trong mùa hè; nhất là đối với trẻ em và người già. Nguyên nhân thường gặp do dùng quạt điện, điều hòa không đúng cách hoặc do ăn uống nhiều đồ lạnh.  

    Bệnh viêm phổi có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong. Đặc biệt, tỷ lệ người nhập viện với những biến chứng nguy hiểm, do hiểu biết sai lầm trong cách phòng và điều trị bệnh cũng ngày càng gia tăng.

    Cách phòng tránh: Dùng quạt, điều hòa hợp lý, không quá lạnh so với nhiệt độ ngoài trời.

    3. Sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

    Muỗi vằn thường đẻ trứng và nở thành loăng quăng/bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước quanh nhà, nơi chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa, các vật dụng chứa nước sinh hoạt để lâu ngày như chum, vại, bể nước mưa, lọ hoa… hoặc các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa… Mùa hè không khí ẩm khiến muỗi càng dễ sinh sôi, nảy nở.

    Cách phòng tránh:

    Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

    Hàng tuần diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bỏ muối, dầu, hóa chất diệt loăng quăng bọ gậy vào bát nước kê ở chân chạn và các ổ nước đọng.

    Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

    Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

    Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

    Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

    5. Bệnh tay chân miệng:

    Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do vi rút xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

    Cách phòng tránh:

    Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

    Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

    Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

    Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý đúng cách.

    Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác.

    Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

P.CTXH

1967 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập