Chớ xem thường hội chứng ruột kích thích 

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong các bệnh đường ruột hay gặp nhất ở nước ta với tỷ lệ mắc khoảng từ 5 – 20% dân số, trong đó nữ giới bị bệnh này có tỷ lệ cao hơn nam giới. IBS không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm sút sức lao động của người bệnh một cách đáng kể.

Ai dễ bị hội chứng ruột kích thích?

Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45. Tuy tỷ lệ mắc bệnh IBS khá cao như vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân một cách chắc chắn của bệnh, nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới rối loạn vận động của ruột, biểu hiện là đi ngoài phân lỏng (tăng nhu động ruột) hoặc rắn (giảm nhu động ruột) hoặc sền sệt kèm theo đau bụng quặn tùy từng lúc. Các biểu hiện này liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương và hệ thần kinh ruột (thần kinh thực vật). Các yếu tố của thần kinh trung ương biểu hiện như sang chấn tâm lý (stress) hoặc do tác động của một số yếu tố ngoại lai như vi sinh vật, vệ sinh thực phẩm không tốt, môi trường sống ô nhiễm…

Cấu trúc hệ tiêu hóa.

 

Triệu chứng bệnh 

Do bệnh biểu hiện rối loạn trên toàn bộ ống tiêu hóa nhưng triệu chứng của bệnh thể hiện ở dạ dày và chủ yếu là ở đại tràng. Vì vậy, đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, trong đó thường thấy đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng. Mặc dù vậy, triệu chứng quan trọng của IMS là tình trạng đau bụng quặn, thường di chuyển lúc đau chỗ này, lúc đau chỗ khác. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, ấm ách khó chịu, đầy hơi tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn. Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài từ 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo.

Các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơi, khó chịu hay xảy ra vào buổi sáng, nhất là sau khi ăn sáng, người bệnh có cảm giác muốn đi đại tiện. Một đặc điểm nổi bật là sau khi đi đại tiện xong, cảm giác khó chịu, đau quặn bụng sẽ hết ngay. Do vậy, nhiều người  rất ngại ăn sáng, nhất là mỗi lúc đi xa. Ngoài triệu chứng đau quặn bụng, một số bệnh nhân cũng hay bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt, có thể lẫn với chất nhầy, nhưng quan trọng hơn cả là phân không bao giờ có máu. Một số trường hợp đi đại tiện vài lần trong ngày, mỗi lần đi đại tiện không hết phân và vừa đi đại tiện xong lại buồn đi tiếp. Tuy vậy, có một số trường hợp lại bị táo bón thường xuyên có khi một tuần mới đi đại tiện một lần, phân rắn, phải rặn mới đi đại tiện được, thậm chí phải thụt tháo. Trong khi đó, có một số trường hợp thỉnh thoảng lại bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón.

Ngoài triệu chứng về tiêu hóa, một số bệnh nhân cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ, hồi hộp, đau tức ngực, cảm giác khó thở. Kèm theo đau quặn bụng là trướng bụng. Trướng bụng là triệu chứng thường gặp. Đặc điểm của trướng bụng trong IMS là sau ngủ dậy thì không thấy hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Ngoài ra có thể có các triệu chứng như buồn nôn, cảm giác vướng ở họng.   

Bệnh nhân hội chứng ruột kích thích nên bổ sung chất xơ và vận động hằng ngày.

 

Điều trị và dinh dưỡng như thế nào?

Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào giành cho IMS, hầu hết dùng thuốc điều trị triệu chứng. Tuy vậy, điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sau một đợt điều trị, các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất đi một thời gian nhưng rất dễ tái phát. Với IMS, người ta khuyên là không nên dùng kháng sinh để điều trị trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn đường ruột. Bên cạnh đó, người bác sĩ khám bệnh và điều trị cho người bệnh cần giải thích cho họ hiểu rõ về IMS nhằm làm giảm sự lo lắng từ các triệu chứng của chính họ, hướng dẫn họ điều trị theo đơn và tư vấn những việc làm cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Để nâng cao chất lượng sống thì cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Đối với trường hợp bị táo bón thường xuyên, cần uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi, tránh dùng các thức ăn chua, cay hoặc không dùng các loại có tính kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào. Nên vận động cơ thể hàng ngày như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cầu lông tùy theo sức và điều kiện của mình. Không nên kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. 

( Theo suckhoedoisong.vn)

22227 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập