Hiện nay, số người có chỉ số acid uric cao và bệnh gout trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, nồng độ acid uric trong máu tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout và các bệnh lý liên quan đến tổn thương thận, sỏi tiết niệu, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hoá, ….và người ta đã phát hiện ra rằng bản thân nồng độ acid uric cao có liên quan đến các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim.
Bệnh tăng acid uric máu là gì?
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin- thành phần cấu tạo nên DNA, RNA..(các vật chất di truyền). Acid uric được thải trừ qua thận. Khi acid uric trong máu tăng cao vượt quá độ bão hòa, nó có thể kết tinh lại thành các tinh thể urat, lắng đọng ở khớp gây ra cơn gút cấp (bệnh gút). Hoặc lắng đọng tại da, mô mềm thành các hạt tophi, hoặc tạo thành sỏi urat ở thận. Tăng acid uric máu có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Tăng acid uric máu có triệu chứng thường đề cập đến các cơn gút cấp hoặc bệnh gút mạn.
Bệnh gout là do lắng đọng các tinh thể urat (urat natri) hoặc tinh thể acid uric gây viêm khớp, thường gặp ở nam giới, tuổi 40 trở lên. Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính.
Bệnh gout thường khởi phát bằng đợt viêm khớp cấp tính sưng, nóng, đỏ, đau, ở khớp bàn – ngón chân cái do tăng mạnh acid uric máu. Các đợt tái phát về sau có thể là khớp mắt cá, khớp gối, khớp khuỷu. Có thể có lắng đọng sạn urat ở tuỷ thận gây viêm thận kẽ mạn tính hoặc có sỏi urat ở hệ tiết niệu.
- Có tiền sử gia đình bị bệnh gout
- Béo quá mức, béo phì, ít vận động thể lực
- Chế độ ăn nhiều đạm: hải sản, phủ tạng động vật
- Nghiện rượu, nghiện cà phê
- Dùng nhiều thuốc lợi tiểu, aspirin, furosemide
- Các bệnh lý ác tính
- Tăng acid uric máu có thể là do hậu quả của 3 cơ chế:
- Tăng tổng hợp acid uric trong cơ thể
- Giảm bài xuất acid uric qua thận
- Đưa vào qua thức ăn quá nhiều nhân purin
- Các biện pháp chẩn đoán Tăng acid uric máu
- Xét nghiệm: acid uric máu. Gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric máu ở nam trên 7mg/dl (420 µmol/L), ở nữ trên 6mg/dl (360 µmol/L)
- Các xét nghiệm khác: chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu để tìm biến chứng thận của bệnh
- Chọc dịch khớp nếu tràn dịch tìm tinh thể urat để chẩn đoán bệnh gút
- X-quang khớp bị đau để tìm tổn thương khớp mạn tính
Bệnh gout có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nó là một căn bệnh có liên quan chặt chẽ đến thói quen ăn uống.





Ngoài việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, để phòng ngừa và cải thiện bệnh gout, cần phải đến cơ sở y tế và trải qua kiểm tra và điều trị thường xuyên.
Luyện tập thể dục thể thao cũng nên được thực hiện, nhưng cường độ và tần suất tập thể dục sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào tình trạng cá nhân, vì vậy hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện một cách thích hợp.
Đỗ Minh Hiếu (khoa Dinh dưỡng)