Hiện nay, các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày một tăng; kẻ xấu sử dụng kịch bản, phương thức và kỹ thuật liên tục thay đổi, ngày càng tinh vi, khó lường khiến cho nhiều người khó nhận biết.
Với các hình thức lừa đảo: mạo danh, việc làm, tài chính, cho vay, đầu tư và xổ số...
Ảnh nguồn Internet
Đặc biệt, có những đối tượng giả danh nhân viên y tế, hình ảnh bệnh viện để tiếp cận người bệnh, người nhà người bệnh nhằm tư vấn sức khoẻ, bán thuốc, thực phẩm chức năng…gây thiệt hại tài sản của người dân và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín đến các cơ sở y tế.
Người dân lưu ý: Nên cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội; hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy.
Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tự trang bị các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với những tình huống lừa đảo.
Bảo mật thông tin cá nhân: Không chia sẻ số điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp, hình ảnh cá nhân và người thân lên mạng xã hội; đặc biệt là những hình ảnh nhạy cảm có thể bị lợi dụng cắt ghép.
Xác thực kỹ thông tin: Kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác; tránh truy cập các đường link lạ; cẩn trọng trước khi nhận cuộc gọi, tin nhắn không rõ nguồn gốc.
Sử dụng công cụ bảo mật: phần mềm diệt virus, tường lửa, các công cụ bảo mật khác để bảo vệ máy tính, điện thoại khỏi các cuộc tấn công mạng.
Nếu phát hiện hình ảnh của bản thân bị sử dụng để lừa đảo, đe doạ chiếm đoạt tài sản; nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.