Thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ tim mạch, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim, đặc biệt đối với người cao tuổi và bệnh nhân tim mạch.

Vì sao bệnh tim mạch dễ ra tăng trong mùa lạnh?
• Co mạch và tăng huyết áp: Khi nhiệt độ giảm, các mạch máu co lại để duy trì thân nhiệt, làm tăng huyết áp và tạo áp lực lên tim.
• Tăng nguy cơ hình thành huyết khối: Trời lạnh có thể làm tăng độ kết dính của máu, làm tăng khả năng hình thành cục máu đông, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
• Hoạt động thể chất quá mức: Việc vận động mạnh ngoài trời lạnh có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp đột ngột, dễ gây đau thắt ngực hoặc suy tim cấp.
• Ảnh hưởng từ bệnh lý hô hấp: Mùa lạnh là thời điểm dễ bùng phát các bệnh về đường hô hấp, làm tăng gánh nặng cho tim, đặc biệt ở những người có bệnh tim mạch sẵn có.
Ai cần đặc biệt lưu ý?
• Người cao tuổi
• Bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim
• Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ
• Người có lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì
Biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch
- Giữ ấm cơ thể: Mặc đủ ấm, đặc biệt che kín cổ, tay và chân khi ra ngoài. Hạn chế ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn khi nhiệt độ xuống thấp.
- Kiểm soát huyết áp và bệnh tim mạch: Theo dõi huyết áp thường xuyên, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột: Khi từ môi trường lạnh vào nơi ấm, cần thay đổi nhiệt độ từ từ để tránh tác động đột ngột đến tim mạch.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế thực phẩm nhiều muối, chất béo bão hòa. Nên tăng cường các thực phẩm giàu omega-3, kali, chất xơ để hỗ trợ tim mạch.
- Vận động phù hợp: Duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng, tránh gắng sức đột ngột, đặc biệt khi tập luyện ngoài trời lạnh.
- Bảo vệ đường hô hấp: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ ấm vùng mũi, họng. Tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ biến chứng đối với bệnh nhân tim mạch.
- Theo dõi sức khỏe: Nếu có dấu hiệu đau ngực, khó thở, chóng mặt đột ngột, tê yếu một bên cơ thể, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Lời khuyên từ bác sỹ
- Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ: Những người có tiền sử bệnh tim mạch nên thăm khám thường xuyên để kiểm soát các chỉ số quan trọng như huyết áp, mỡ máu, đường huyết.
- Không tự ý ngừng thuốc: Việc ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
- Cẩn thận khi tập thể dục ngoài trời lạnh: Nên khởi động kỹ, mặc đủ ấm và tránh tập luyện khi nhiệt độ xuống quá thấp. Nếu cảm thấy chóng mặt, đau ngực, cần dừng ngay và nghỉ ngơi.
- Luôn mang theo thuốc bên mình: Những người có bệnh tim mạch nên mang theo thuốc cấp cứu để sử dụng khi cần thiết.
- Giữ tinh thần thoải mái: Stress và căng thẳng có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Cần duy trì lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và hạn chế lo lắng quá mức.
Lưu ý: Mùa lạnh là thời điểm dễ xảy ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Người có nguy cơ cao cần chủ động phòng bệnh, duy trì thói quen sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả.