Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó cắn, với nhiều vết thương phức tạp. Tại Đơn vị tư vấn và tiêm chủng vắc xin, trong 5 tháng đã tiếp nhận, tư vấn và tiêm huyết thanh kháng dại cho hơn 200 bệnh nhân.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân nam (sinh năm 1977), địa chỉ Hoa Lư, Ninh Bình, bị 3 con chó cắn, không rõ thời gian, được người dân đưa vào viện cấp cứu; trong tình trạng có nhiều vết thương khắp cơ thể, nhất là vùng mặt, chân tay, biến dạng vùng cẳng chân bên phải.
Các bác sĩ xử trí cấp cứu, rửa vết thương; phẫu thuật cắt lọc làm sạch khâu vết thương.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, tinh thần ổn định; tiếp tục điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình.
BS.CKI.Lê Trần Cương - Trưởng đơn vị tư vấn và tiêm chủng vắc xin - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Có những trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. Khi bệnh khởi phát, lên cơn thì tỷ lệ sống sót ở cả động vật và con người gần như bằng không.
Người dân lưu ý: Bệnh daị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi xảy ra tai nạn bị chó, mèo, vật nuôi cắn cần đến ngày cơ sở y tế để được sơ cứu, xử lý vết thương. Đồng thời phải tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả, giúp ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc xin đầu tiên.
Để tiêm chủng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại, người dân có thể yên tâm lựa chọn dịch vụ tại Đơn vị tư vấn và tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Tổ truyền thông