Cẩn thận sức khỏe khi thời tiết chuyển từ nắng nóng gay gắt sang mát đột ngột. 

Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng, hiện tại thời tiết chuyển sang mát, mưa giông diễn ra hầu hết tại các tỉnh phía Bắc. Nhiệt độ hạ từ 5-7 độ C, thậm chí còn se lạnh vào đêm và sáng sớm; sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, độ ẩm thấp sang độ ẩm cao, rất dễ gây bệnh; đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới đường thở như: cảm, viêm phế quản, viêm phổi, hen xuyễn. Ngoài ra, cũng có các bệnh dị ứng như: mề đay, viêm da dị ứng, viêm kết mạc và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, trong 2 ngày 9-10/7/2018 đã tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân vào điều trị nội trú, trong đó chủ yếu là các bệnh về phổi, hen và viêm phế quản; mặc dù đây là những bệnh chủ yếu bùng phát vào mùa đông. Nguyên nhân chính là từ môi trường nắng nóng chuyển sang mát (lạnh) đột ngột sẽ tác động xấu tới cơ thể. Và những ngày trước đó ngoài trời nhiệt độ cao người dân bật điều hòa chênh lệch lớn khiến trẻ em, trẻ sơ sinh, người yếu, người già, phụ nữ mang thai sức đề kháng cơ thể kém sẽ khó thích nghi. Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn (Asthma) là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản (thuộc hệ hô hấp) trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào viêm mạn. Bệnh có biểu hiện triệu chứng là do phản ứng co thắt phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục khi được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc. Chữa hen cần phải dùng đến thuốc kiểm soát căn nguyên của bệnh chứ không chỉ chữa triệu chứng. Nếu không dùng thuốc kiểm soát, lâu ngày bệnh sẽ phát triển đến mức phế quản bị tắc nghẽn cố định. Khi đó sẽ rất khó chữa, thậm chí có thể gây chết người đối với những trường hợp co thắt phế quản cấp tính nặng. Chính vì thế, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám kịp thời; không nên tự ý mua thuốc điều trị vì sẽ rất nguy hại. Người bị cảm cúm có biểu thường gặp nhất là mệt mỏi, sốt, nhức đầu, lừ đừ, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho. Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác như viêm phổi, suy hô hấp, nhất là những người có sức đề kháng kém. Còn với cảm lạnh, người bệnh có thể cảm thấy cổ họng khô, đau, hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi với chất nhầy, chảy nước mắt, ớn lạnh, và sốt. Sau đó, các triệu chứng có thể bao gồm nghẹt mũi, đau xoang, ho, đau nhức cơ bắp về đêm, mệt mỏi và chán ăn. Cúm ác tính là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm nhất. Cảm cúm phần lớn là tự hết chứ chưa có thuốc đặc trị, nhưng cúm ác tính có thể dẫn đến chết người mà không có dấu hiệu báo trước. Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi cũng rất nặng nề đối với trẻ nhỏ vì nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị chết. Còn người lớn mắc viêm phổi phần lớn phải điều trị nội trú. Ngoài ra, hen suyễn và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính cũng là những bệnh nguy hiểm, gây chết người nếu vào đợt cấp mà không nhập viện kịp thời. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh, thời tiết nóng bức chuyển sang mát rất dễ gia tăng các bệnh lý như sốt xuất huyết và tay chân miệng. Vì vậy, phụ huynh chú ý vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc sạch sẽ, không để nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, phải rửa tay thường xuyên cho trẻ và cả người giữ trẻ (nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), rửa đồ dùng và đồ chơi cho trẻ sạch sẽ để phòng bệnh tay chân miệng. Cách tốt nhất để bảo vệ mình và phòng tránh bệnh cần tạo cho cơ thể khoảng thích nghi. Cần chú ý đến dinh dưỡng, ăn đủ chất; đặc biệt là việc cung cấp đầy đủ nước, rau, trái cây để cung cấp lại vitamin hay chất điện giải bị mất qua mồ hôi nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tăng cường vận động, kiểm tra sức khỏe thường xuyên,tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà-phòng, tránh khạc nhổ bừa bãi. Bên cạnh đó, hạn chế thức ăn lạnh; giữ ấm cơ thể, khi ra ngoài trời lạnh chú ý mặc thêm áo; với trẻ nhỏ, cần quàng khăn, đội mũ, bịt khẩu trang; đối với những người bị bệnh mạn tính, cần sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ để tránh trường hợp bệnh tái phát nặng hơn.

L.H

1630 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập