Bộ Y tế khuyến cáo chủ động phòng chống cúm A(H1N1) 

 

Ngày 2/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo số 347/TB-DP về diễn biến tình hình cúm A(H1N1) tại Lào Cai.

 

Theo đó, ổ dịch mới nhất được ghi nhận tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai từ ngày 24/4 khi 9 học sinh của trường xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, không sốt. Đến ngày 25/4 xuất hiện thêm 3 học sinh có dấu hiệu hội chứng cúm như: sốt, đau đầu, đau mỏi người... Trung tâm Y tế thành phố đã đến phối hợp với nhà trường xử lý ổ dịch, tiến hành lập khu cách ly, điều trị các trường hợp trên. Tính đến ngày 30/4, đã ghi nhận 46 trường hợp có biểu hiện bệnh cúm, không có trường hợp bệnh nặng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm, kết quả có 3 mẫu dương tính với cúm A(H1N1). Hiện các bệnh nhân đã được điều trị hồi phục. 

 

 

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai nghi mắc cúm được quản lý

và theo dõi tại trường. Nguồn: Báo Lào Cai.

 

Trước đó, vào ngày 21/3, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện ổ dịch tại một gia đình ở làng Tòng, phường Quang Kim, huyện Bát Xát với 5 người mắc bệnh (gồm 1 người lớn 31 tuổi và 4 cháu nhỏ 2-7 tuổi). Các trường hợp này đều có biểu hiện sốt, ho, đau họng, viêm long đường hô hấp, nhập viện khám và điều trị từ ngày 23-24/4 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai. Đến ngày 25/4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu bệnh phẩm của cả 5 bệnh nhân, kết quả xét nghiệm có 4 mẫu dương tính với chủng vi rút cúm A(H1N1). Tất cả các ca bệnh đều ở thể nhẹ, hiện đã được điều trị ổn định.

TS. Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hàng năm nước ta vẫn ghi nhận khoảng 1,6 - 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Theo báo cáo giám sát tại các địa phương, 3 tháng đầu năm 2013 đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Yên Bái (2 trường hợp) và Thanh Hóa. Kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia ở nước ta cũng ghi nhận sự xuất hiện của cúm B và 2 phân týp vi rút cúm A (H1N1 và H3N2), trong đó phân týp vi rút cúm A(H1N1) chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm.

Trước tình hình tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm A(H1N1) cao trong số bệnh nhân có hội chứng cúm, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt phát hiện sớm bệnh nhân nặng để kịp thời điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng vi rút gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gen của vi rút.

Về tình hình dịch trên thế giới, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, vi rút cúm A(H1N1) gây đại dịch năm 2009 sẽ tiếp tục lưu hành ở nhiều quốc gia như các chủng vi rút cúm mùa khác sau khi đã qua giai đoạn đại dịch, bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ tháng 8/2010.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy, hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 5.000.000 trường hợp mắc cúm nặng và có từ 250.000 đến 500.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ chết trong số các trường hợp nặng là 5-10%. Từ tháng 10/2010 đến nay, cúm A(H1N1) tiếp tục ghi nhận lưu hành tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả các điểm giám sát cúm trên toàn cầu trong 2 tuần đầu tháng 4 cho thấy, trong số các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm, vi rút cúm A(H1N1) chiếm tỷ lệ 13,4%.

Hiện chưa phát hiện sự biến đổi gen của vi rút cúm A(H1N1) gây đại dịch năm 2009. Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A(H1N1), Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp. Khi có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, những đối tượng dễ cảm nhiễm như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em rất dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1), do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

 Ngoài ra, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng được khuyến cáo cần chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống, tránh lây bệnh cho cộng đồng.

(theo suckhoedoisong.vn)

835 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập