Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tích cực trong công tác phòng, chống bão lụt, thảm họa và thiên tai năm 2018. 

Trong những năm gần đây, với tác động của biến đổi khí hậu và môi trường, thời tiết diễn biến thất thường trái với quy luật. Hiện nay, bão lũ không chỉ xảy ra tại miền trung, vùng Bắc Trung Bộ, mà đã lan xuống Nam Trung Bộ, ngược lên các tỉnh miền núi phía bắc và để lại những dư chấn nặng nề.

Cứ mỗi trận bão lũ qua đi, nhìn lại con số người chết và những thiệt hại về kinh tế không khỏi giật mình ám ảnh. Đặc biệt, năm 2018 mùa mưa lũ diễn biến phức tạp; đầu năm lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở các tỉnh miền núi  và Trung du Bắc bộ phía Bắc. Tại Ninh Bình, năm 2017 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to nhiều ngày trên diện rộng và nước trên các sông ở thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, dẫn đến hiện tượng ngập úng hầu hết ở các xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn. Đây cũng được ví như trận Đại Hồng thủy, vượt qua đỉnh lũ của năm 2008 và chỉ đứng sau mốc lũ lịch sử của năm 1985. Một số xã đã bị cô lập hoàn toàn, nhà dân chìm trong biển nước; lũ lụt đã khiến cho cuộc sống sinh hoạt của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về lương thực, nước uống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh sau ngập lụt. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa bão kết thúc muộn, trong nửa cuối tháng 12-2017 và tháng 1, tháng 2-2018 vẫn xuất hiện bão  hoạt động trên khu vực phía nam Biển Đông. Ngoài ra, khả năng cao mùa bão năm 2018 sẽ bắt đầu sớm ở khu vực bắc Biển Đông. Chính vì vậy, nhận thức, hiểu biết, kỹ năng phòng chống thiên tai; việc xây dựng phương án và kế hoạch ứng phó; lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ; sự phối hợp của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc ứng phó với bão lũ, thiên tai là rất quan trọng. Để phòng, chống bão lụt, thảm họa và thiên tai năm 2018; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã có kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể công tác chuẩn bị cho từng khoa phòng trong toàn viện. Thực hiện tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mùa mưa bão. Chủ động đối phó với thiên tai lũ lụt, thảm họa; sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đảm bảo an toàn cho người và tài sản của bệnh viện, cũng như người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra. Giải quyết tốt công tác vệ sinh môi trường, khắc phục khẩn trương sau thiên tai, không để dịch bệnh xảy ra. Bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo, 2 tổ cấp cứu ngoại viện và đội thanh niên xung kích phòng chống lụt bão, thiên tai, thảm họa. Tổ chức trực 24/24, thoe dõi chặt chẽ diễn biến tình hình lụt bão; tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế; triển khai phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngành y tế; sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống do thiên tai, bão lụt gây ra. Xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, thảm họa, phương án cho các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng điều động nhân lực, cung ứng đủ cơ số thuốc,hóa chất, vật tư y tế, các phương tiện cấp cứu cần thiết đảm bảo phục vụ người bệnh điều trị tại viện tối thiểu 7 ngày; chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cứu ngoại viện sẵn sàng phục vụ khi có lệnh; điều động 2 tổ cấp cứu ngoại viên cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Chuẩn bị cơ số, hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh sau bão lũ. Đảm bảo an toàn và hoạt động tốt hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, an ninh trật tự , hệ thống chống sét, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cửa, mái tôn, hệ thống mạng, trang thiết bị y tế, xe cứu thương… Chuẩn bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động: áo mưa, đèn pin, mũ, ủng… cho các đội phòng chống lụt bão. Tại các khoa phòng; quán triệt tới toàn bộ nhân viên nghiêm túc thực hiện kế hoạch phòng chống lụt bão, thiên tai, sẵn sàng thực thi mọi nhiệm vụ được giao. Kiểm tra hệ thống trang thiết bị, buồng bệnh, hệ thống điện nước; đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi lụt bão xảy ra. Bên cạnh đó, duy trì công tác chăm sóc người bệnh điều trị tại khoa; rà soát và đánh giá tình trạng của người bện đang điều trị tại khoa, nếu nhẹ hoặc đỡ cho về điều trị ngoại trú, để sẵn sàng tiếp đón người bệnh nặng vào điều trị trong những ngày bão lũ. Bệnh viện đã đưa ra 3 phương án ứng phó khi có thiên tai, bão lụt xảy ra: Thứ nhất, đối với trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt và dịch bệnh: Tổ cấp cứu ngoại viện có trách nhiệm đến địa điểm có người bệnh ngộ độc thực phẩm tiếp nhận sơ cứu, vận chuyển người bệnh về khoa Cấp cứu. Khoa Cấp cứu chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, phương tiện và nhân lực sẵn sàng tiếp nhận và xử lý cấp cứu người bệnh; phân loại xử trí ban đầu, nếu người bệnh tạm ổn chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị tiếp. Khoa Truyền nhiễm chuẩn bị đủ số giường bệnh, thuốc, hóa chất, dịch truyền; huy động đầy đủ nhân lực; chủ động tiếp nhận và điều trị cho người bệnh đến khi ổn định ra viện. Khoa Hồi sức tích cực phòng chống độc tăng cường 1 kíp hồi sức tích cực, máy thở, máy monitor đến khoa Truyền nhiễm để xử lý khi có người bệnh nặng. Trong trường hợp xẩy ra ngộ độc với số lượng đông, huy động toàn bộ nhân lực các khoa hệ Nội cùng tham gia điều trị. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn: phun hóa chất, tẩy uế khử trùng ở khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển người bệnh, chuẩn bị dung dịch rửa tay, thực hiện quy trình xử lý chất thải theo đúng quy định. Thứ hai, tai nạn thương tích hàng loạt do đắm đò, cháy nổ, sập đổ công trình, tai nạn giao thông nghiêm trọng: Tổ cấp cứu ngoại viện đến vị trí tại nạn xảy ra, sơ cứu người bệnh theo đúng quy trình, vận chuyển và vận chuyển người bệnh về khoa Cấp cứu. Khoa Cấp cứu tiếp nhận, chẩn đoán, cấp cứu ban đầu; phân loại và chuyển người bệnh vào các khoa theo tính chất và mức độ bệnh cần điều trị. Tổ chức điều trị tại các khoa hệ ngoại và hồi sức tích cực phòng chống độc; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, giường bệnh để sẵn sàng, khẩn trương, tích cực điều trị người bệnh bị tai nạn thương tích, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Thứ 3, tại bệnh viện có tình huống bị ngập lụt tầng 1 hoặc sập đổ nhà cửa: Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các khoa phòng phối hợp thực hiện công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, điều tiết nhân lực để thực hiện công tác vận chuyển người bệnh đến nơi an toàn và cấp cứu người bệnh. Nếu ngập nước tầng 1, các khoa tại tầng 1 khẩn trương vận chuyển người bệnh lên các tầng cao hơn; vận chuyển trang thiết bị đến vị trí tránh ngập nước. Nếu có tình huống sập đổ công trình: tổ chức tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển người bệnh ra khỏi khu vực nguy hiểm để cấp cứu điều trị. Ngoài ra, bệnh viện cũng đề ra phương án khắc phục sự cố sau bão lụt, thiên tai, thảm họa: sửa chữa cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, kiểm tra hệ thống điện nước, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư tiêu hao… sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các dịch bệnh có thể xảy ra sau bão lũ.

Lan Hương

     

1125 Go top

Tin nổi bật

Trưởng Ban Biên Tập: BS.CKII.Chu Thị Giang - Giám đốc bệnh viện
Ghi rõ nguồn www.benhvienninhbinh.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.
Các đồng nghiệp, các công tác viên muốn đóng góp bài viết vui lòng vào phần Liên hệ
Địa chỉ: Đường Tuệ Tĩnh - Phường Nam Thành - Thành Phố Ninh Bình
Fax: 02293.871.030 Website: benhvienninhbinh.vn
Đăng nhập