Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch - tiết niệu, lao ruột, trong đó bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 - 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 24/3 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống lao. Tại Việt Nam, chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
* Người bị mắc bệnh lao phổi thường có những triệu chứng điển hình gồm:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).
- Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở.
- Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc.
- Đổ mồ hôi trộm về đêm.
- Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều.
- Chán ăn, gầy sút.
Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
* Một số yếu tố nguy cơ của người dễ mắc bệnh lao như:
- Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư...
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em.
- Người mắc các bệnh mạn tính như loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn…
- Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá.
- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…
Bệnh lao không phải bệnh di truyền mà là một bệnh lây nhiễm, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong đó, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng và cần được quan tâm đúng mức để giúp cộng đồng hiểu và phòng tránh bệnh. Trong đó, cần truyền thông về cách để phát hiện bệnh sớm; có những hiểu biết, thực hành và thái độ đúng mực với bệnh và bệnh nhân lao, thuốc điều trị…là rất quan trọng.
Bệnh có thể dự phòng được trên cơ sở thực hiện tốt các biện pháp phòng chống. Sau đây là một số việc cần làm ngay để phòng chống bệnh lao:
1. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh lao. Nếu bạn không thể tránh hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.
2. Tăng cường khả năng miễn dịch: Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ăn ít nhất 4-5 khẩu phần rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Nếu bạn không thể ăn do nguyên nhân nào đó, hãy đảm bảo nhận được liều hàng ngày các chất chống oxy hóa/vitamin tổng hợp sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do sản sinh trong tế bào do bệnh tật/căng thẳng và giúp tái tạo tế bào.
3. Duy trì khẩu phần protein: Ăn ít nhất 2 phần protein trong chế độ ăn hàng ngày. Chúng giúp hình thành các khối tế bào và tái tạo tế bào.
4. Duy trì bữa ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng: Bạn cần kết hợp tốt tất cả các thành phần của thực phẩm để khỏe mạnh. Carbohydrat, protein, vitamin và chất béo đều có vai trò trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể.
5. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên: Hãy tập luyện hàng ngày. Bạn có thể đi bộ thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tập luyện sẽ cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch.
6. Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ: Giữ gìn vệ sinh tốt ở bất cứ nơi nào bạn đến. Rửa tay với xà phòng khử trùng thường là một thói quen bị đánh giá thấp nhưng trên thực tế rất có lợi. Khi phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, bạn không thể bỏ qua thói quen đơn giản này.
7. Đưa trẻ đi tiêm chủng: Vì phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nên cách tốt nhất là bạn nên đưa con đi tiêm vắc xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) để phòng chống bệnh lao. Cách này sẽ đảm bảo phát triển các kháng thể chống Mycobacterium tuberculosis và do vậy làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao.
8. Tuân thủ dùng thuốc (không bao giờ tự ý dừng thuốc): Khi người bệnh không tuân thủ điều trị, vi khuẩn lao có thể trở nên nên kháng thuốc. Khi các vi khuẩn kháng thuốc này bắn vào không khí, chúng có thể lây bệnh cho những cá nhân khỏe mạnh. Điều này sẽ dẫn tới tăng số người bị bệnh lao đa kháng thuốc. Do vậy hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
9. Ngủ đủ giấc hàng ngày việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Hãy tránh xa những thực phẩm cản trở giấc ngủ, đồng thời cố gắng ăn những thực phẩm giúp phục hồi chu kì thức ngủ.
Phạm Thị Định